Theo kinh nghiệm của người thợ đúc đồng, để đúc thành công một sản phẩm đồng thì người thợ phải trải qua rất nhiều khâu vất vả, nặng nhọc. Nếu không đủ kiên nhẫn thì không thể làm được nghề này.
Trước tiên phải có một mẫu sản phẩm được điêu khắc từ đất sét, trước khi mẫu vào khuôn phải chỉnh kỹ các đường nét. Đắp khuôn là việc đòi hỏi sự công phu, đất lớp đầu tiên để đắp khuôn là đất sông Hồng phải được làm nhuyễn, sạch sạn. Sau đó, dùng giấy bản và đất nhào với nhau, người ta thường gọi là chọc đất để đất và giấy bản nhuyễn với nhau.
Khi bắt đầu làm khuôn, lấy dao dần thật kỹ, thật dẻo tay để nguyên liệu đất và giấy bản có độ mịn, độ dẻo khi người thợ dàn ra thì không bị rách và khi áp vào mẫu tượng thì ăn nét rất chuẩn xác.
Cách làm khuôn đúc ở Ngũ Xã lâu hơn các nghề làng khác, sau khi lớp đất đầu tiên đắp, đến lớp áo sau vào, để tự khô sau khoảng hai ngày mới thực hiện "vỗ khuôn" để lấy các nét kỹ, các đường vân nhỏ nhất, các "may tre" của sản phẩm.
Khi nấu đồng, người thợ phải biết chọn than, tránh than non bởi khi đồng nóng chảy, nếu than non sẽ ếp lại và bị khê đồng, khi đó đồng sẽ đặc lại không thể chữa được. Phải chọn than nặng, than già và nhiệt nóng chảy của đồng phải đạt trên 1.000 độ trở lên. Theo kinh nghiệm của người thợ, khi nào nhìn thấy nước đồng trong nồi có ánh vàng khói bốc lên, thì có một nước đồng tốt.
Khi rót đồng, để đồng thoáng và trong, phải gạt hết bã, sau đó rót vào khuôn. Rót phải đều tay, mũi đồng xuống tròn đều không được ngắt quãng, nhưng phải biết lúc nào cần phải ngừng. Đúc các quả chuông khi lên đến đỉnh chuông, phải giảm dần đều mũi đồng, nhất là ở các quả chuông lớn.
Nếu khuôn để nguội, rót đồng vào sẽ bị rỗ, nên để ấm chứ cũng không nên để nóng già. Đúc chuông to thì phải dùng đồng đỏ nguyên chất, thiếc nguyên chất, thiếc già pha theo tỷ lệ thích hợp là kinh nghiệm bí truyền của thợ.
Khâu sửa nguội thì sửa theo mẫu, trước kia chỉ dùng dũa, chạm nhưng hiện nay có máy mài với đá mài rất nhỏ có thể mài trong các khe nhỏ. Để tạo ra các sản phẩm độc đáo, bà Đan cũng đã mời nhiều thợ giỏi về chạm bạc, điêu khắc tham gia hoàn thiện.
Đức tính cần thiết nhất của một người thợ đúc đồng là kiên nhẫn, biết yêu nghệ thuật và say mê cái đẹp, thấy một đường nét đẹp phải biết nâng niu và càng cố gắng làm cho nó đẹp thêm. Và những đức tính ấy, những người thợ Thăng Long tài hoa vốn không thiếu.
TW Hội Khoa học Phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam sưu tầm
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/kham-pha-bi-mat-tinh-hoa-duc-dong-giua-long-ha-noi-a10900.html