Cuối tháng 12, để củng cố các tỉnh miền Tây, chính quyền Việt Nam tại Nam Bộ đã tước vũ khí quân Nhật ở Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Đây là nguồn vũ khí đáng kể đầu tiên của quân đội Việt Nam tại chiến trường Nam Bộ. Song chiến sự vẫn tiếp tục lan rộng ở đây. Vào tháng 1 năm 1946, quân Anh - Pháp chiếm Hà Tiên Rạch Giá, Sóc Trăng Bạc Liêu và đến tháng 3, quân Anh rút khỏi để giao lại cho Pháp. Ngày 5 tháng 2 năm 1946, Anh - Pháp tiến vào đất mũi Cà Mau.
Trên hướng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ngày 23 tháng 10 năm 1945, quân Pháp đổ bộ lên Nha Trang, nhưng ngay sau đó bị quân và dân ta bao vây trong thành phố cầm chân chúng gần hai tháng. Đến ngày 4 tháng 12, quân Pháp chiếm Buôn Ma Thuột Ngày 27 tháng 1 năm 1946 chiếm Đà Lạt ngày 28 tháng 1, chiếm Phan Rang và đến tháng 7 năm 1946 chiếm Quy Nhơn, Kon Tum, kiểm soát phía nam đường 1. Chiến sự tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ cũng khốc liệt như tại Nam Bộ. Sự kháng cự của quân đội Việt Nam khiến quân Pháp phải bỏ nhiều buôn làng, vị trí mới chiếm được ở Tây Nguyên.
Trong khi đó, ở miền Bắc, để tránh mũi nhọn của địch. ngày 11 tháng 11 năm 1945, Đảng ta tuyên bố tự giải tán và thành lập Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Thực chất đây là chiến thuật để vừa bảo vệ Đảng, vừa giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Đông thời, Trung ương Đảng và Chính phủ chủ trương giữ vững nguyên tắc cứng rắn để bảo vệ chủ quyền dân tộc, khôn khéo vận dụng sách lược mềm dẻo và quân Tưởng nhằm tập trung sức đấu tranh vào kẻ thù chính là thực dân Pháp. Các lực lượng vũ trang và nhân dân đã kiên trì đường lối ngoại giao, tránh xung đột với quân Tưởng, nhưng cũng sẵn sàng lực lượng, kiên quyết ngăn chặn và hạn chế thấp nhất hành động chống phá của địch.
Mở đầu cho cuộc đấu tranh kiên quyết và khôn khéo của nhân dân ta với quân Tưởng là cuộc biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng của khoảng 30 vạn quần chúng trong ngày 2 tháng 10 năm 1945 để biểu thị sự đoàn kết xung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh khi Tổng Tham mưu trưởng quân Tưởng là Hà Ứng Khâm và Tư lệnh lục quân Mỹ R.B. MccLure với tư cách “Phái bộ Đồng minh” đến Hà Nội. Tiếp đó là cuộc vận động nhân dân Thủ đô làm thất bại cuộc mít tinh do Nguyễn Hải Thần và bọn tay sai của Tưởng tổ chức ở Bách Thảo ngày 12 tháng 11; cuộc đấu tranh phản đối Pháp và Tưởng đồng lõa với nhau định hủy bỏ giấy bạc mệnh giá 500 đồng tiền Đông Dương.
Đặc biệt, cuộc phản biểu tình của nhân dân ở chợ Đồng Xuân ngày 12 tháng 12 đã mang dấu ấn của cuộc đấu tranh chống bạo loạn chính trị đường phố. Được sự giúp đó của nhân dân, đội tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu đã khôn khéo làm thất bại cuộc tuần hành của bọn Việt gian bán nước, chống phá tổng tuyển cử. Kể cả bọn lính Tưởng đóng quân ở ngay nơi xảy ra xung đột cũng buộc phải tỏ thái độ bàng quang, không can thiệp. Kể từ đó cho đến ngày tổng tuyển cử, bọn phản động chỉ dám gây ra các vụ chống phá lẻ tẻ, không dám manh động lớn.
Thắng lợi của quân và dân Thủ đô trong thời điểm nhạy cảm sau Cách mạng Tháng Tám đã góp phần quan trọng làm thất bại âm mưu của quân Tưởng và tay sai, bảo vệ được chính quyền cách mạng, đồng thời tôi luyện thêm tinh thần, chí và nâng cao trình độ tổ chức, phương pháp đấu tranh cho quân và dân Thủ đô. Tuy vậy, để thực hiện sách lược mềm dẻo với Tưởng nhằm tập trung mũi nhọn chống thực dân Pháp, Chính phủ ta đã nhân nhượng cho mấy tên cầm đầu Việt quốc, Việt cách như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam được tham gia và giữ một số chức vụ trong Chính phú, thậm chí còn đồng ý cho chúng có 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử và lui ngày bầu cử đến 6 tháng 1 năm 1946, khiến quân Tưởng không thể kiếm cớ để chống lại ta.
Không thực hiện được mưu đồ “diệt cộng - cầm Hồ" và khi được Mỹ can thiệp, quân Tưởng đã ký Hiệp ước Pháp - Hoa ngày 28 tháng 2 năm 1946 với thỏa thuận Pháp trả lại cho Tưởng mọi tô giới của Pháp trên đất Trung Hoa; đổi lại, Tưởng sẽ đồng ý cho tàn quân Pháp từ Vân Nam trở về thế chân ở miền Bắc Đông Dương. Trong điều kiện cùng lúc đối phó nhiều kẻ thù khi thế và lực của ta chưa đủ mạnh, Trung ương Đảng và Chủ Tịch Hồ Minh đã chủ trương áp dụng sách lược hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng về nước, đồng thời quân và dân ta cũng tranh thủ quãng thời gian tạm thời hòa hoãn để cùng cố và phát triển lực lượng.
Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp được kỳ ngày 6 tháng 3 năm 1946 tại Hà Nội chấp nhận cho Pháp được đưa 15.000 quân đóng trên miền Bắc (trong đó đưa thêm 1200 quân đóng tại Hà Nội). Từ khi quân Pháp được phép vào Hà Nội chúng đã liên tiếp vi phạm Hiệp định Sơ bộ bằng những “việc đã rồi” như ngang nhiên chiếm Nha Tài chính Việt Nam, tăng 600 quân trái phép và tăng cường những hành động gây rối khiêu khích ở ga Hàng Có, trên các đường phố, nhất là sau khi 4.000 tù binh Pháp vốn bị quân Nhật bắt từ ngày 9 tháng 3 năm 1945 được quân Tưởng thả ra và cấp vũ khí cùng với số Pháp kiểu trong thành phố.
Nhân dân Thủ đô cùng với việc củng cố tinh thần quyết tâm giữ độc lập, khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang ở cả nội thành và các xã ngoại thành, phải cố gắng ôn hoà, bình tĩnh, kiên trì đấu tranh sao cho có lợi về ngoại giao. Cuộc đấu tranh chính trị có quy mô lớn đầu tiên ở Hà Nội sau khi Hiệp định Sơ bộ ký kết đã được tiến hành khi quân Pháp chiếm đóng trái phép Nha Tài chính. Nhiều cửa hàng không mở cửa bán cho Pháp, khẩu hiệu “bất hợp tác” được căng dán khắp nơi, nguồn hàng tươi sống không được đưa vào nội thành khiến quân Pháp không được tiếp tế.
Chúng đã buộc phải chủ động rút khỏi Nha Tài chính và đề nghị ta chấm dứt bất hợp tác. Đối với các vụ quấy rối hoặc gây gổ trên đường phố của địch, những nhóm tự vệ của ta đều có mặt ngăn chặn kịp thời, kể cả phải dùng đến vũ lực. Các chiến sĩ tự vệ cũng đã phối hợp với công an thường xuyên theo dõi lính Tưởng đang rục rịch rút quân nhằm bảo vệ an toàn cho các lãnh tụ Đảng và Nhà nước, đồng thời chuẩn bị đối phó những nấc thang mới của kẻ thù.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thoi-ky-dau-cuoc-chien-tranh-chong-quan-tuong-va-tay-sai-phan-2-va-het-a10878.html