Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội là một trong những đại biểu ưu tú của nước cộng hòa non trẻ trong cuộc đấu tranh quyết liệt với Pháp và Tưởng, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa chống thù trong với dẹp giặc ngoài để bảo vệ chế độ mới.
Ngày 7 tháng 9 năm 1945, những đơn vị đầu tiên của quân đội Tưởng dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật vào đến Hà Nội. Nhưng chúng đã chậm chân, vì Hà Nội giờ đây đã trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ mới của nước ta đã ra mắt quốc dân đồng bào, Tuyên ngôn Độc lập đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố với dân ta và toàn thế giới. Tuy bị rơi vào tình thế lúng túng, buộc phải giao thiệp với Chính phủ ta để có lương thực cho 20 vạn quân, nhưng quân Tưởng cũng sớm bộc lộ dã tâm muốn can thiệp vào nội tỉnh nước ta.
Ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên với Chính phủ ta, bọn cầm đầu đã đòi ta báo cáo về binh tình, đưa ra yêu sách đòi ta phải nhượng một số bộ quan trọng trong nội các cho bọn tay sai của chúng. Chúng đã tiếp tay cho bọn Việt quốc Việt cách chống phá chính quyền cách mạng ở Thủ đô với ý đồ nham hiểm “tiền tiêu diệt Việt Minh, hậu giải giáp quân Nhật". Hàng ngày, chúng cướp bóc, quyt tiền đi xe, tiền mua hàng và đặt nhiều vọng gác ở những nơi xung yếu trong thành phố với đã tâm sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ thành phố khi cần. Chúng tung tiền “quan kim” đã mất giá và bạc giả ra thị trường làm cho nền tài chính của ta thêm khốn khó và thị trường Hà Nội thêm rối loạn.
Bọn Việt quốc, Việt cách tay sai của Tưởng núp dưới bóng ngang nhiên chiếm đóng khu vực Ngã Tư Sở và lập trụ sở ở nhiều địa điểm trong thành phố đồng thời tuyển mộ lưu manh, côn đồ và tay sai cũ của bọn Nhật và Pháp để tống tiền, ám sát, cướp bóc, bắt cóc cán bộ cách mạng phá rối trật tự trị an. Chúng còn dùng báo lá cải, loa phóng thanh tập trung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, hô hào bãi công, bãi thị, biểu tình chống đối chính quyền cách mạng.
Đặc biệt, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tổng tuyển cử bầu Quốc hội, thì chúng càng chống phá điên cuồng, trắng trợn bằng các thủ đoạn ám sát, bắt cóc cán bộ cao cấp của ta và liên tiếp tổ chức biểu tình tuần hành phản đối Chính phủ, phản đối cuộc tổng tuyển cử. Rõ ràng âm mưu “diệt cộng - cầm Hồ" của quân Tưởng và tay sai là mầm họa trực tiếp làm cho cách mạng Việt Nam ở vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ở miền Nam, ngay trong ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi người dân Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức mít tinh chào mừng Ngày Độc lập thì lính Pháp trong các tòa nhà bắn ra làm 47 người thiệt mạng. Ngày 6 tháng 9, quân đội Anh theo sự phân công của phe Đồng minh đến Việt Nam giải giáp quân Nhật đổ bộ vào Sài Gòn. Lợi dụng sự kiện nổ súng ngày 2 tháng 9, quân Anh vụ cho chính quyền Việt Nam không giữ được trật tự. Phái bộ Anh lệnh cho lính Nhật tước vũ khí của ta và đòi chính quyền cách mạng ở đầy phải giải tán các đơn vị tự vệ.
Ngày 20 tháng 9, quân đội thả các tù binh Pháp vốn bị giam từ ngày Nhật đảo chính ra lệnh đóng của tất cả báo chí ở Sài Gòn. Ngày 21 tháng 9 quân Anh chiếm đóng trụ sở cảnh sát quận 3, đồng thời ra lệnh thiết quân luật, cấm người dân không được biểu tình, hội họp, đem theo vũ khí và đi lại ban đêm. Cũng trong tháng 9 năm 1945, quân Anh tiến đến miền duyên hải Nam Trung Bộ, đổ bộ lên Nhà Trang, tước vũ khí Nhật để trang bị cho 2000 tù binh Pháp và Pháp kiều ở đây. Đến 0 giờ ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân đội Anh đã làm ngơ cho quân Pháp bất ngờ đánh úp quân đội Việt Nam lại Sài Gòn – Chợ Lớn.
Song do gặp phải sự kháng cự quyết liệt của lực lượng Việt Minh ở đây, đặc biệt là Liên khu Bình Xuyên nên quân Pháp bị bao vây trong thành phố. Ngay sáng 23 tháng 9 chính quyền Nam Bộ đã họp tại phố Cây Mai, Chợ Lớn, tham dự có các nhân vật quan trọng như Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiếng... Hội nghị nhất trí điện ra Chính phủ Trung ương xin phép được kháng chiến và trên thực tế, quân dân Sài Gòn - Cho Lớn đã buộc phải đứng lên kháng chiến vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc.
Hội nghị cũng thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn do Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch. Đến chiều, Uy ban Kháng chiến Nam Bộ ra tuyên cáo về sự kiện quân Pháp công nhiên đánh chiếm trụ sở Ủy ban Hành chính Nam Bộ và Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng thời khẳng định quyết tâm kháng chiến của đồng bào Nam Bộ.
Ngày 24 tháng 9, Chính phủ Việt Nam ra Huấn lệnh gửi quân dân Nam Bộ và đến ngày 26 tháng 9, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh gửi thư biểu dương lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Cùng ngày, Chính phủ ra lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân cả nước ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam Bộ. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã thành lập các đoàn quân Nam tiến, Quỹ Nam Bộ kháng chiến,... và nhiều lần quyên góp ủng hộ, chi viện cho Nam Bộ. Các tướng lĩnh quan trọng được cấp tốc cử vào Nam như Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn...
Trước cuộc kháng chiến kiên cường của quân dân Nam Bộ. quân Pháp xin đình chiến từ ngày 30 tháng 9, nhưng thực chất là đang chờ quân tiếp viện từ Pháp sang. Và sau khi được bổ sung một trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn cơ giới, một đội thủy quân ngày 12 tháng 10, quân Pháp nổ súng trở lại và nhanh chóng phá vòng vây, rồi tiếp tục mở rộng vùng chiếm đóng xuống đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Ngày 25 tháng 10, Pháp chiếm Mỹ Tho - Gò Công; ngày 29 tháng 10 chiếm Vĩnh Long; ngày 30 tháng 10 chiếm Cần Thơ. Trước đó, quân đội Anh chiếm Biên Hoà, Thủ Dầu Một và giao cho Pháp.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thoi-ky-dau-cuoc-chien-tranh-chong-quan-tuong-va-tay-sai-phan-1-a10876.html