Đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu theo nguyện vọng: Nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi

8 hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng đã có đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60 với lao động nam, 55 tuổi với lao động nữ. Người lao động về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

det-may-2-1683776599.jpg
Đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu theo nguyện vọng cho người lao động (Ảnh: Vietnamnet)

Tám hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng Dệt may, Da giày - Túi xách, Gỗ và Lâm sản, Nhựa, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Điện tử, Thực phẩm minh bạch và Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TP.HCM vừa có văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Theo đó, Hiệp hội các doanh nghiệp đề xuất, bổ sung quy định tại Điều 106 trong Dự thảo theo hướng: người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng, với nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia BHXH đủ 15 năm; mức lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH, mỗi năm nghỉ trước tuổi so với quy định trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.

Các hiệp hội giải thích, trên thực tế, lao động Việt Nam chủ yếu là làm việc tay chân, có nhiều trường hợp tham gia từ rất sớm, thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội cao. Khi họ 55 - 60 tuổi thì sức khỏe giảm sút không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ mất việc. Nếu người lao động phải chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống.

Ngoài ra, việc cho phép người lao động được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ. Người lao động cũng giảm số năm bị trừ 2% cho mỗi năm về hưu trước tuổi.

Nhiều người lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đồng tình với đề xuất của 8 hiệp hội, hội, bởi khi bước sang độ tuổi 45 thì mắt mờ, chân tay chậm, hầu như rất khó đáp ứng công việc nên sản lượng không bằng những người lao động mới vào công ty 3 năm, mà lương lại cao gấp đôi. Chỉ những người làm quản lý, người có chuyên môn và một ít công nhân vệ sinh làm tới 55 – 60 tuổi.

Khi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nam 62, nữ 60 thì rất khó khăn cho công nhân lao động trực tiếp, đó chính là lý do các DN không muốn tiếp tục ký hợp đồng lao động với người lớn tuổi có năng suất làm việc giảm mà phải trả lương cao gấp tới hai lần với những người mới vào.

Về chế độ thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, các hiệp hội đề xuất phương án người lao động được giải quyết dựa trên nguyện vọng và được bảo lưu thời gian còn lại với mức hưởng được ghi rõ tại thời điểm rút bảo hiểm xã hội. Bởi đối với những lao động lớn tuổi rất khó xin việc khi bị mất việc. Vì vậy họ mới cân nhắc đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo tỷ lệ mong muốn mà vẫn đảm bảo đủ điều kiện hưởng lương hưu khi về già, đảm bảo cuộc sống khi không còn khả năng lao động.

Đề xuất mâu thuẫn với luật hiện hành

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, ban soạn thảo nên xem xét. Nhưng theo quan điểm của ông Huân, đề xuất này khó được chấp thuận. Khi người lao động nghỉ hưu phải đảm bảo 2 điều kiện là số năm tham gia bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 với nam và từ 55 lên 60 với nữ nên khó có thể giảm tuổi nghỉ hưu.

TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Bộ LĐTB&XH, Quốc hội đã tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đến khi nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là phù hợp với xu hướng quốc tế và thực tế Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, các hiệp hội, hội đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu như trước đây là mâu thuẫn với luật và không theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương.

Hơn nữa, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến, Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó người lao động đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu cũng là tạo điều kiện nghỉ hưu sớm. Ngoài ra, những lao động làm việc ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được về hưu sớm 5 năm…

Điều tra về mức sống dân cư có tới 80% những người trên tuổi nghỉ hưu vẫn đang làm việc. Điều đó cho thấy, sau khi nghỉ hưu, nhiều người vẫn có nhu cầu làm việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Từ thực tế này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Lan Hương không đồng tình với việc 8 hiệp hội đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu. Mục tiêu của việc tham gia bảo hiểm xã hội đến khi nghỉ hưu là hưởng mức tối đa 75%. Tuổi nghỉ hưu của một đời người được xác định bởi tuổi thọ và khả năng kinh tế đủ để sinh sống khi hết tuổi lao động. Khi tuổi thọ kéo dài thì phải tăng tuổi nghỉ hưu.

Phương Thảo - TH

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/de-xuat-giam-tuoi-nghi-huu-theo-nguyen-vong-nguoi-lao-dong-nu-55-tuoi-nam-60-tuoi-a10805.html