Song nếu xét theo nội dung chiến lược tổng thể vĩ mô thì được thể hiện đậm nét từ khi Hà Nội nổ súng mở đầu toàn quốc kháng chiến đến khi Trung đoàn Thủ đô rút quân lên chiến khu Việt Bắc an toàn, tổ chức lại lực lượng chuyển sang thời kỳ tiếp sau của cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện.
Bối cảnh chung của nước ta trong thời kỳ lịch sử này hết sức phức tạp. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, toàn dân tộc. Việt Nam đã phải tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh quyết liệt với thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
Chính quyền về tay nhân dân, song những khó khăn cực kỳ lớn đã nảy sinh. Trên đất nước ta cùng lúc có mặt nhiều đế quốc dưới danh nghĩa “giải giáp quân Nhật”, phía bắc là quân Tưởng, phía nam là quân Anh. Thêm vào đó là sự chống phá điên cuồng của bọn phản động. Lực lượng quân Pháp vốn bị thất thủ sau cuộc đảo chính của Nhật nay được Anh và Mỹ hậu thuẫn cũng làm mọi cách gây hấn ở một số nơi.
Đất nước ta lúc này đang ở một thực trạng kinh tế - xã hội rất khó khăn. Quá nửa số ruộng đất bị hoang hóa vì không có sức lao động và công cụ lao động. Hàng trăm nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, hàng chục vạn công nhân không có việc làm, hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ. Trong khi đó, Chính phủ ta còn phải cung cấp lương thực cho hai mươi vạn quân lương ở phía bắc nên nạn đói càng có nguy cơ gia tăng. Tình trạng đó kết hợp với sự chống phá điên cuồng của các đảng phái phản động càng làm cho ta bị uy hiếp trên nhiều mặt.
Trước những khó khăn cực kỳ nghiêm trọng, nhân dân cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ cấp bách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chống giặc đói; chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm.
Trong chống giặc đói, cấp ủy và chính quyền các địa phương đã kêu gọi các đoàn thể cứu quốc động viên mọi người dân dồn sức tăng gia sản xuất cứu đói, thực hành tiết kiệm và nêu cao tinh thần yêu nước, tham gia những cuộc quyên góp thường xuyên.
Đồng thời, hưởng ứng lời kêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi đã thành lập Ban cứu tế để thu số gạo nhịn ăn của đồng bào; cử các đội “tiễu trừ giặc đói” đến các ngõ phố và xóm làng để cấp gạo cho các gia đình thiếu đói, vận động bà con tích cực trồng rau, màu trên đất hoang hóa. Trong các công xưởng, nhà máy, công nhân ra sức sửa chữa những bộ phận hư hỏng, bảo đảm cho máy móc hoạt động từng bước ổn định. Một bộ phận lớn thương nhân và các tầng lớp tiểu tư sản cũng tích cực tham gia “Tuần lễ vàng” và nhiều cuộc quyên góp khác ủng hộ cách mạng. Sức lao động của nhân dân được nhanh chóng phục hồi.
Về chống giặc đốt, sau khi Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh ngày 8 tháng 9 năm 1945, quyết định việc học chữ quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người dân Việt Nam thì phong trào “bình dân học vụ” mà Hà Nội là nơi mở đầu đã phát triển rộng khắp nhằm thanh toán nạn mù chữ trên toàn quốc. Phong trào lôi cuốn mọi đối tượng người dân, mọi lửa tuổi tham gia. Đến cuối tháng 8 năm 1946, về cơ bản người dân đã biết đọc, biết viết. Chính quyền và nhân dân các địa phương còn cố gắng chuẩn bị cho học sinh có đủ trường học, bàn ghế để bước vào năm học niên khóa 1946-1947. Cũng chỉ trong thời gian ngắn, báo chí cách mạng cả nước đã phát triển mạnh so với trước Cách mạng Tháng Tám.
Để chuẩn bị chống giặc ngoại xâm, Quỹ độc lập, Quỹ phòng thủ Nam Bộ, Quỹ kháng chiến, Quỹ đảm phụ quốc phòng đều được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng và quyên góp đầy đủ. Việc xây dựng lực lượng vũ trang được gắn với xây dựng các chiến khu cách mạng và các vành đai đỏ xung quanh thành phố lớn. Các lực lượng tự vệ chiến đấu có sự phát triển về quân số, trang bị về vũ khí và từng bước được thống nhất lại. Làng xã phát triển mạnh tổ chức dân quân tự vệ chiến đấu và lực lượng du kích. Tại miền Bắc, những đơn vị chủ lực đầu tiên được thành lập. Bộ đội chủ lực được phát triển mạnh mẽ và hăng hái tập luyện chiến đấu.
Tại miền Nam, nhiều tổ chức vũ trang tự phát của quần chúng được thành lập để đánh Pháp, bao gồm cả các lực lượng vốn không phải của Việt Minh nhưng sau được phân hóa, sáp nhập vào Việt Minh. Lực lượng Quốc gia Tự vệ quốc và Quốc vệ đội (công an vũ trang) được thiết lập. Ở các tỉnh, cấp ủy và chính quyền đều tổ chức đội tự vệ và du kích chiến đấu. Chỉ tính riêng ở Sài Gòn đến tháng 10 năm 1945 đã có 800 đội tự vệ với 15.000 chiến sĩ. Việt Minh nắm lực lượng vũ trang của Tổng Công đoàn Nam Bộ.
Đệ nhất Sư đoàn của Cộng hòa vệ binh cũng do Việt Minh nắm được, tái lập thành ba đơn vị là lữ đoàn cơ động Chí Hòa, lữ đoàn cơ động Gia Định và lữ đoàn trợ giúp. Ba đơn vị được bổ sung công nhân, thanh niên cốt cán, tất cả khoảng một vạn người. Đệ nhị Sư đoàn của Dương Văn Giáo gồm khoảng 1.000 người. Đệ tam Sư đoàn của Lý Huê Vinh gồm khoảng 500 người (về sau tan rã). Đệ tứ Sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp gồm nhiều thành phần giáo phái, khoảng 1.000 người. Tổ chức vũ trang Bình Xuyên (gồm hai lực lượng của Ba Dương, Tám Mạnh) sát cánh cùng Việt Minh. Quân đội Hòa Hảo, quân đội Cao Đài thì do lực lượng chính trị khác tổ chức. Chính quyền các cấp nhiều nơi được bổ sung các lực lượng ngoài Việt Minh. Do tình hình tại miền Nam khá phức tạp nên cuộc kháng chiến ở Nam Bộ về sau gặp nhiều trở ngại.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thoi-ky-dau-chien-tranh-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-duoi-su-lanh-dao-cua-dang-a10791.html