Về một số thần đồng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (Phần 4 và hết)

Trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ, “nước lấy người làm gốc. Trong đó nhân phẩm có cao thấp không giống nhau. Trên có vua, quan sửa sang chỉnh đốn việc nước, dưới có các sĩ phu, kẻ xuất người xử. Người hiền hay không có khác nhau, thì nước trị hay loạn do đó mà có khác. Cho nên bàn đến việc đời, phải phân biệt nhân tài”(154).

than-dong-1683618379.jpg
Ảnh minh họa từ Truyện tranh "Thần đồng đất Việt" (Ảnh: Zing)

Qua phần trình bày ở trên, tác giả tham luận rút ra một số nhận xét sau đây:

1. Thần đồng nguyên nghĩa là chỉ những trẻ em đặc biệt thông minh và có tài năng hơn người thường"(181). Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc và đến đời nhà Hán, sử sách đã có nhiều ghi chép về những trẻ em có khả năng đặc biệt này nhưng vẫn chưa gọi là Thần đồng mà chỉ gọi là Đồng tử lang. Hai chữ Thần đồng xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc là trong sách Nam sử khi ghi chép về mục truyện Lưu Hiếu Xước, "ông thông minh mẫn tiệp. 7 tuổi thuộc làu thơ văn. Cậu là Vương Dung đang làm quan Trung thư lang nhà Nam Tề thường ngợi ca ông trước mặt bạn bè thân hữu và gọi ông là Thần đồng"(182) ... Phan Huy Chú khi chép về Lệ trí sĩ, có đoạn "thần đồng mà nộp đơn đi thi, vừa mới đến tuổi trưởng thành đã ra ứng phó việc đời, hăng hái trên đường làm quan..." đã giải nghĩa "thần đồng là trẻ con mà học giỏi như thần"(183).

Căn cứ theo ý nghĩa đó, cứ những trẻ em nào mà học giỏi như thần, có trí nhớ siêu phàm, tài năng thiên bẩm về một hay nhiều lĩnh vực, thì đều được gọi là thần đồng. Chính vì vậy, những thần đồng phần lớn là do thiên bẩm, vốn sẵn có tư chất thông minh, tài giỏi từ khi mới sinh ra. Bản thân họ vẫn sẵn trí tài, lại được truyền thống gia đình, dòng họ hun đúc, bồi đắp thì tài năng càng rực sáng (đó là trường hợp của ba thế hệ họ Lương ở làng Hội Trào); nhiều trường hợp tài năng được thể hiện và phát huy sớm nhưng vì còn nhỏ tuổi nên cần được tiếp tục bồi dưỡng thêm trước khi bổ nhiệm hay tham gia quan trường (đó là trường hợp của Nguyễn Hiền, Nguyễn Văn Cẩm); hay cũng có cá nhân nổi danh trí tuệ từ bé nhưng con đường thi cử, làm quan lại rất lận đận, gian truân (đó là trường hợp của Nguyễn Minh Triết)... Tựu trung, những người nổi tiếng là thần đồng có một đặc điểm chung là họ thông minh, tài giỏi ngay từ khi còn nhỏ, thi đỗ cao trong các kỳ thi (Hương, Hội, Đình, Ứng chế...), tham gia nhiều chức vụ quan trọng ở trong triều ngoài quận, có nhiều đóng góp to lớn trên các lĩnh vực chính trị, bang giao, văn hóa, giáo dục..., được sử sách ghi nhận, nhân dân kính ngưỡng, tôn thờ. Đây là truyền thống rất cần được trân trọng gìn giữ, phát huy, bởi họ trở thành những tấm gương sáng trong ý chí quyết tâm học tập, đỗ đạt thành danh và đóng góp cho quê hương, đất nước.

2. Thần đồng không chỉ là những người trẻ con nổi tiếng mà còn trở thành tên gọi của một khoa thi. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú cho biết, "đời Tống có khoa thi Thần đồng"(184).

Phần "Tuyển cử" trong sách Tống sử có chép: "Phàm là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, có thể đọc thông kinh, biết làm thơ phú, từ các châu gửi về triều đình và được Thiên tử đích thân ra đề để chọn lựa. (Sau khi trúng tuyển) bổ nhiệm những người đó làm quan, miến cử theo cách thức thông thường". Dựa vào đoạn ghi chép này, có thể thấy rằng, khoa thi Thần đồng đời Tống có sự điều chỉnh là độ tuổi tham gia: Nếu như đời Đường, trẻ em tham gia kỳ thi này là từ 10 tuổi trở xuống (185), thì đến nay số tuổi đã tăng lên là 15. Quy trình và cách thức thực hiện cũng giống như các khoa thi thường lệ. Nhân vật nổi tiếng nhất là Thần đồng thời kỳ này, đó là Yến Thù (991-1055, người của phái Uyển Ước), khi 14 tuổi ông đỗ khoa thi Thần đồng, được ban là Tiến sĩ xuất thân, sau đó được bổ nhiệm chức quan Mật thư Chính tự.

Năm Thuần Hy thứ 8 (1181) đời vua Tống Hiếu Tông (1127-1194), khoa thi Thần đồng có sự điều chỉnh về nội dung và cách thức thi theo chiều hướng tăng độ khó cho người tham gia. Sách Tống hội yếu tập cảo cho biết, người dự thi ngoài việc đọc thông thạo Lục kinh, còn phải biết sáng tác văn chương, thơ phú, nếu đủ thì được xếp vào hạng Thượng đẳng, được bổ nhiệm làm quan; nếu chỉ thông kinh sách thì xếp vào hạng Trung đẳng, sau này khi tham gia khoa cử sẽ được miễn kỳ thi Hương, thi Hội; nếu chỉ đọc thông kinh thư thì xếp vào hạng Hạ đẳng, sau này tham gia khoa cử sẽ được miễn kỳ thi Hương. Nhiều nhân vật là Thần đồng của nhà Tống xuất hiện, ngoài Yến Thù, còn có Dương Ức, Sài Bá Hy, Lý Thúc, Uông Châu, Phương Trọng Vĩnh, Chu Hồ Thần, Tư Mã Quang, Vương An Thạch...

Trong số đó, cố Vương An Thạch (1021-1086) sau này trở thành nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, khi ông giữ chức Tể tướng dưới triều vua Tổng Thần Tông.

Trong khi đó, giáo dục và khoa cử Nho học của Việt Nam có tham khảo và kế thừa nhiều từ Trung Quốc, song không thấy ghi chép cụ thể gì về khoa thi Thần đồng ở nước ta. Trong 6 khoa thi Nho học dưới thời Lý (vào năm Ất Mão - 1075 Bính Dần - 1086, Nhâm Thân - 1152, Ất Dậu - 1165, Ất Tỵ - 1185 và Quý Sửu -1193), chỉ có khoa thi năm Ất Tỵ, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (1185), đời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210) được ghi chép đầy đủ hơn cả về tên kỳ thi, tuổi người dự thi, số người lấy đỗ và người đỗ đầu. Các cuốn chính sử có những ghi chép khác nhau về kỳ thi này. Sách Đại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giảm Cương mục đều ghi: Mùa Xuân, tháng Giêng, thi sĩ nhân trong nước, người nào từ 15 tuổi mà thông Thi, Thư thì được vào hầu học ở Ngự diễn, lấy đỗ bọn Bùi Quốc Khái, Đặng Nghiêm 30 người, còn thì đều ở lại học'. Việt sử Cương mục toát yếu lại chép: Mùa Xuân, tháng Giêng, thi sĩ nhân trong nước để làm Ngự điện Thị học sĩ. Người nào 10 tuổi thông Thi, Thư thì được chọn bổ. Bọn Đỗ Thế Diên, Bùi Quốc Khái, Đặng Nghiêm gồm 30 người thi đỗ (187). Về độ tuổi người tham dự khoa thi này, dù chưa có sự thống nhất (188) nhưng có điểm chung là độ tuổi thấp, dao động khoảng từ 10 đến 15 tuổi.

Sang thời nhà Trần, khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 17 (1247) đời vua Trần Thái Tông cũng là khoa duy nhất trong số các khoa thi thời Trần có ghi chép kỹ về tuổi thi đỗ của ba người đậu Tam khôi (189). Đặc biệt, tác giả Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục cho biết chi tiết, “khoa này (1247) Nguyễn Hiền 13 tuổi người huyện Thượng Nguyên đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu 18 tuổi người Đông Sơn đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La 14 tuổi người Mỹ Lương đỗ Thám hoa” (190). Vì cả 3 vị Tam khôi đều thi đỗ khi còn rất trẻ, cho nên đã tạo nên sự chú ý của giới trí thức xuất thân Nho học đương thời và hậu thế, bởi suy đoán rằng, việc lấy đỗ, thi đỗ khi đều còn rất trẻ như vậy “cũng là sự lạ” (191).

Như thế, những người tham dự và đỗ đầu của hai khoa thi Ất Tỵ (1185) đời Lý và khoa thi Đinh Mùi (1247) đời Trần đều có độ tuổi thấp, chủ yếu ở trong khoảng từ 10 đến 15 tuổi. Điều này tương đối phù hợp với quy định về độ tuổi trong các khoa thi Thần đồng của nhà Tống. Từ đó giúp chúng ta có thể suy đoán rằng, khoa cử Nho học thời Lý và Trần vẫn chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ khoa cử Nho học của nhà Tống. Riêng về khoa thi Thần đồng ở nước ta, dù không ghi rõ, cụ thể tên là như vậy, song từ độ tuổi của những người tham dự và đỗ đầu, có thể xếp hai khoa thi (mà sử liệu cho biết rõ ràng về độ tuổi) năm Ất Tỵ (1185) và năm Đinh Mùi (1247) vào dạng khoa thi như thế.

3. Ở nước ta hiện nay, khái niệm Thần đồng cũng được quan tâm và có nhiều hình thức tổ chức và thực hiện khác nhau, từ đó đưa đến những nhận thức, hiệu quả không giống nhau. Theo sách Từ điển tiếng Việt, Thần đồng là "đứa trẻ có năng khiếu xuất chúng, nhiều khi tuy chưa được học tập một cách có hệ thống, thậm chí có khi còn chưa cắp sách đến trường, đã bộc lộ những năng khiếu đặc biệt, như biết đọc, biết tính toán, sáng tác âm nhạc". Vì lẽ đó, trong thời gian gần đây, nhiều thần đồng trên các lĩnh vực xuất hiện, như "thần đồng âm nhạc" Tin Tin (tên thật là Dương Quốc Anh), Quách Hoàng Nhi, Phan Thiên Bạch Anh, Đặng Thái Sơn; "thần đồng ngôn ngữ" Lê Anh Đức; "thành đồng biết tuốt" Phùng Nguyễn Minh Khang, "thần đồng ngoại ngữ" Đoàn Ngọc Minh Anh, Lê Nguyễn Bảo Chung, Đỗ Nhật Nam; "thần đồng lịch" Phạm Tuấn Minh, "thần đồng quốc huy" Nguyễn Quang Bình, "thần đồng tính nhẩm" Gia Hưng, "thần đồng tính nhanh" Phạm Viết Thiên Phước, "thần đồng sáng tạo" Nguyễn Dương Kim Hảo, "thần đồng tiểu thuyết" Nguyễn Bình... Đây đều là những tài năng, năng khiếu thiên bẩm, đã được phát hiện qua nhiều hình thức khác nhau (chủ yếu là các cuộc thi/gameshow trên truyền hình). Nếu những thần đồng đó được phát hiện đúng lúc và có cách nuôi dưỡng, đào tạo một cách phù hợp, họ sẽ trở thành những tài năng xuất chúng sau này; ngược lại, nếu không phát hiện kịp thời, hoặc có những hình thức ứng xử máy móc, khiên cưỡng, không phù hợp, sẽ làm mai một, thậm chí là thui chột tài năng của họ.

Trong ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam, ở cấp phổ thông, đã có chương trình đào tạo năng khiếu nhằm phát hiện, đào tạo, bôi dưỡng... cho những người có năng khiếu, để sau này họ được phát triển theo hướng chuyên sâu. Riêng ở góc độ của các Thần đồng, sau khi đã được phát hiện, cần phải tạo môi trường đặc thù để đào tạo, tức là phải có một chế độ đào tạo riêng, vì "nhân tài đã là vốn quý, thiên tài thì hiếm lắm" (192)./.


(181) Từ Hải, Nxb. Từ thư Thượng Hải, 1979, tr.1583.

(182) Lý Đại Sư, Lý Diên Thọ, Nam sử, quyển 59, Trung Hoa thư cục, 1975.

(183) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 662.

(184) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 662.

(185) Đời nhà Đường, dưới triều vua Đường Cao Tông (628-683), đã bắt dầu có khoa thi dành cho trẻ em có tài năng hơn người, được gọi là "(khoa thi) Tuyển chọn Thần đồng".

(186) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Sđd, tr. 328; Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giảm Cương mục, tập 1, Sđd, tr. 422.

(187) Đặng Xuân Bảng: Việt sử Cương mục toát yếu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr. 138.

(188) Sách Đại Việt sử ký toàn thư Khâm định Việt sử thông giảm Cương mục đều ghi là 15 tuổi, Việt sử Cương mục toát yếu ghi là 10 tuổi, Đăng khoa lục ghi là 19 tuổi, còn Các nhà khoa bảng Việt Nam ghi là từ 15 tuổi trở lên.

(189) Tham khảo bài viết “Khoa cử thời Trần - Khoa thi năm Đinh Mùi (1247) và Bảng nhãn Lê Văn Hưu”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký, Thanh Hóa, 2022.

(190) Lê Quý Đôn toàn tập (1977), tập 2: Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr.79.

(191) Lê Quý Đôn toàn tập (1977), tập 2: Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr.79.

(192) Quan điểm của Trần Thị Thu Mai trong bài viết "Hiểu sao cho đúng về hiện tượng Thần đồng”, Báo Người Lao động Online, số ra ngày 11/01/2007.

TS. Lê Quang Chắn (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ve-mot-so-than-dong-noi-tieng-trong-lich-su-viet-nam-phan-4-va-het-a10764.html