Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, là trang sử hào hùng, chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây còn là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần vào việc thúc đẩy, cổ vũ các dân tộc đang tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng giành lại độc lập.
Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, ngoại giao Việt Nam với nền tảng là Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh đã từng bước trở thành một mặt trận chiến lược gắn liền với từng bước đi cách mạng, từng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Ngoại giao đã hoàn thành tốt hai nhiệm vụ chiến lược là đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
1. Ngoại giao đấu tranh thực hiện Hiệp định Geneve: giai đoạn 1954 – 1959:
Khó khăn trong việc tiến hành Hiệp định Geneve:
Sau khi Hội nghị Geneve kết thúc, cuộc đấu tranh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam để thực hiện những quy định, cam kết mang tính pháp lý của Hiệp định đã gặp những khó khăn, cản trở lớn. Trong khi ta nghiêm túc thi hành Hiệp định Geneve, mong muốn “hòa bình thống nhất” và kiên trì đấu tranh để tổ chức tổng tuyển cử thì đế quốc Mỹ không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định, thúc đẩy kế hoạch thay thế thực dân Pháp ở miền Nam, hậu thuẫn ngụy quyền tay sai ra sức phá hoại Hiệp định.
Ngày 18/6/1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên chức Thủ tướng trong Chính quyền Bảo Đại để từng bước gạt Pháp ra khỏi Việt Nam. Được sự ủng hộ trực tiếp của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam đã cự tuyệt thi hành Hiệp định Geneve, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Ngày 16/7/1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố việc tổng tuyển cử là không thể thực hiện được. Ngày 09/8/1955, chính quyền Sài Gòn chính thức bác bỏ đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tổ chức Hội nghị hiệp thương hai miền.
Hoạt động ngoại giao của Việt Nam:
Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành những điều khoản của Hiệp định Geneve để đi tới hiệp thương hai miền, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đồng thời yêu cầu đối phương cũng phải tôn trọng và thi hành đúng Hiệp định. Ngày 31/7/1954, Ban Bí thư ra chỉ thị Gây điều kiện thuận lợi để thực hiện Hiệp định đình chiến, trong đó nêu rõ nhiệm vụ và mục tiêu của ta: “Nhiệm vụ của Đảng, quân đội và nhân dân ta trong toàn quốc là gây mọi điều kiện thuận lợi để thi hành đúng Hiệp định đình chiến đồng thời đòi Pháp cũng phải thi hành đúng... Mục tiêu đấu tranh của ta hiện nay là phản đối âm mưu phá họai đình chiến của đế quốc Mỹ, hiếu chiến Pháp và chống những hành động phá hoại đình chiến của bọn Việt gian tay sai của Mỹ và hiếu chiến Pháp...”.
Trong giai đoạn này, nhiệm vụ của ngoại giao là vừa phục vụ việc đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve, vừa phục vụ công cuộc phục hồi kinh tế ở miền Bắc.
Hoạt động ngoại giao của Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa:
Các đoàn đại biểu Chính phủ của ta đã lần lượt tiến hành các chuyến thăm Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Qua các chuyến thăm này, các nước bạn đã giúp ta khôi phục và tăng cường các cơ sở, xí nghiệp sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế ở miền Bắc.
Các nước đều khẳng định lập trường ủng hộ nhân dân nhân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do. Những cuộc viếng thăm đó là sự cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa. Trên các mặt hợp tác, giúp đỡ về văn hóa, giáo dục, y tế, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungari, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Đức,...luôn tạo những điều kiện thuận lợi để mở rộng, phát triển các chương trình hợp tác về văn hóa, giúp đào tạo về cán bộ chuyên môn và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam. Những nghĩa cử chí nghĩa, chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa không chỉ là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với nhân dân Việt Nam, mà còn trực tiếp tăng cường sức mạnh cho Việt Nam trên vũ đài chính trị thế giới.
Hoạt động ngoại giao đấu tranh thực hiện Hiệp định Geneve với Mỹ, Pháp và chính quyền tay sai:
Theo đúng quy định của Hiệp định Geneve, ngày 19/7/1955, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho Quốc trưởng và Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (chính quyền Sài Gòn) đề nghị đại biểu hai miền mở Hội nghị hiệp thương từ ngày 20/7 để bàn việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Chính quyền Sài Gòn đã bác bỏ đề nghị đó. Ngày 17/8/1955, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Ngoại trưởng Anh và Liên Xô, hai đồng Chủ tịch Hội nghị Geneve về Đông Dương, yêu cầu thi hành mọi biện pháp cần thiết để Hiệp định Geneve được tôn trọng và vấn đề chính trị ở Việt Nam được giải quyết trên cơ sở hiệp thương hai miền Bắc - Nam, tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước Việt Nam. Ngày 08/5/1956, hai đồng Chủ tịch Hội nghị Geneve gửi thư kêu gọi Chính phủ hai miền Việt Nam thực hiện những điều khoản quân sự và chính trị của Hiệp định.
Sau khi Pháp rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ chính thức thay chân Pháp và tăng cường xây dựng chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam. Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve càng khó khăn và đứng trước những thách thức mới.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên trì đấu tranh, yêu cầu đối phương thi hành Hiệp định. Ngày 11/5/1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam tiến hành hiệp thương để bàn việc tổng tuyển cử. Ngày 13/7/1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho hai đồng Chủ tịch Hội nghị Geneve yêu cầu có biện pháp để tổ chức hội nghị hiệp thương bàn về tổng tuyển cử.
Ngày 18/7/1957, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho Ngô Đình Diệm đề nghị hiệp thương để bàn tổ chức tổng tuyển cử. Ngày 07/3/1958, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho chính quyền Sài Gòn đề nghị hai miền cử đại biểu gặp nhau bàn bạc để mau chóng hòa bình thống nhất đất nước với tinh thần hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau. Chính quyền Sài Gòn tuyên bố không bình thường hóa quan hệ hai miền. Ngày 22/12/1958, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại đề nghị với Chính quyền Sài Gòn tiến hành gặp gỡ, thảo luận vấn đề trung lập hóa hai miền, tăng cường hợp tác kinh tế, cấm các hoạt động tuyên truyền và bình thường hóa việc đi lại.
Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve năm 1954 về lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra rất khó khăn, phức tạp. Chúng ta đã kiên trì nhưng không đạt được mục tiêu chính trị là hiệp thương hai miền Bắc - Nam để tổng tuyển cử, thống nhất nước Việt Nam năm 1956 theo quy định của Hiệp định.
2. Ngoại giao chống sự can thiệp của Mỹ: giai đoạn 1959 – 1964:
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc, tại miền Nam, đế quốc Mỹ đã vội vàng dựng lên Chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm để thực hiện âm mưu chính trị của mình. Tháng 5 năm 1957, Ngô Đình Diệm sang Hoa Kỳ gặp Tổng thống Eisenhower, ra thông cáo chung khẳng định Mỹ ủng hộ Diệm, lập phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự (MAAG) nhằm đẩy mạnh xây dựng quân đội Sài Gòn thành một lực lượng đủ mạnh để chống phá, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam. Tháng 5 năm 1959, Diệm ban hành luật phát xít 10/59 dùng tòa án quân sự đặc biệt xét xử những người yêu nước, lê máy chém đi khắp miền Nam đàn áp các chiến sĩ cách mạng. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhiều đồng chí cán bộ theo kháng chiến bị bắt và giết hại. Suốt mười năm trời, gần 20 vạn đồng bào miền Nam yêu nước đã bị Mỹ - Diệm khủng bố, tù đày, 70 vạn người đã bị tra tấn giam cầm trở nên tàn phế. Hàng triệu người bị nhốt vào các trại tập trung mà chúng gọi là “ấp chiến lược”. Không gia đình nào không có người bị hy sinh. Không làng xóm nào không bị càn quét.
Đến giữa năm 1961, lần lượt Phó Tổng thống Johnson và các tướng lĩnh của Mỹ sang miền Nam, vạch ra kế hoạch Staley – Taylor, dự kiến bình định miền Nam trong 18 tháng, củng cố tiềm lực cho ngụy quyền, sau đó sẽ tiến công miền Bắc. Trên cơ sở kế hoạch này, Mỹ tăng cường viện trợ tài chính và quân sự cho chính quyền Sài Gòn, dồn dân vào các ấp chiến lược, đẩy mạnh càn quét, bình định các tỉnh miền Nam.
Hoạt động ngoại giao của Việt Nam nhằm chống lại sự can thiệp của Mỹ:
Trước những hành động phá hoại, đàn áp của chính quyền Diệm và sự can thiệp của Mỹ, tháng 8 năm 1956, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã soạn thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam. Trên tinh thần cốt lõi của bản đề cương, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (1/1959) đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, chỉ ra phương pháp kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: dùng bạo lực cách mạng, cụ thể là dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Dưới ánh sáng của nghị quyết 15, cách mạng miền Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, “từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.” Phong trào Đồng khởi đã giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược can thiệp của Eisenhower.
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời là dấu mốc quan trọng trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Mặt trận chủ trương thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, tiến tới thống nhất đất nước, tích cực tham gia bảo vệ hòa bình thế giới; ngoại giao tích cực đấu tranh chống chính sách độc tài của chính quyền Ngô Đình Diệm và sự can thiệp của Mỹ; chú ý vận động dư luận trong nước và quốc tế. Đảng ta chủ trương mở một cuộc đấu tranh ngoại giao trên các diễn đàn của Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới, Bộ Ngoại giao, các phương tiện thông tin báo chí... nhằm vạch trần và lên án âm mưu can thiệp mới của đế quốc Mỹ chuẩn bị đưa quân vào miền Nam và tiến hành các hoạt động phá hoại miền Bắc.
Ngày 18/2/1962, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố về việc Mỹ tăng cường can thiệp và xâm lược miền Nam Việt Nam. Các nước Liên Xô, Trung Quốc, Ủy ban đoàn kết Á - Phi, Hội đồng hòa bình thế giới, Hội luật gia dân chủ quốc tế,… đều lên tiếng phản đối Mỹ can thiệp vào miền Nam, ủng hộ Việt Nam.
Nguyên Khánh(TH)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hoat-dong-ngoai-giao-viet-nam-trong-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-p1-a10638.html