Cụ thể, trong ngày 29/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương, cả nước xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 16 người, bị thương 20 người. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 2 vụ, giảm 1 người chết, giảm 2 người bị thương.
Trong số 32 vụ TNGT xảy ra trong ngày 29/4, đường bộ xảy ra 31 vụ tai nạn, làm chết 15 người, bị thương 20 người; giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, giảm 2 người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Đường sắt xảy ra 1 vụ tai nạn, làm chết 1 người (tại Khánh Hòa), giảm 1 vụ, số người chết và bị thương không thay đổi so với năm 2022. Đường thủy không xảy ra tai nạn.
Còn theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 9.341 trường hợp; ra quyết định xử phạt 23 tỷ 200 triệu đồng; tước GPLX 2.316 trường hợp; tạm giữ 169 ôtô, 2.948 môtô và 10 phương tiện khác. Trong đó vi phạm nồng độ cồn 2.228 trường hợp; ma túy 08 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 124 trường hợp; quá khổ giới hạn 29 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 06 trường hợp; chở quá số người quy định 219 trường hợp; vi phạm tốc độ 1.782 trường hợp; vi phạm khác 4.945 trường hợp.
Về đường thủy nội địa, xử lý 118 trường hợp, ra quyết định xử phạt: 174 triệu đồng, tước bằng, chứng chỉ chuyên môn 01 trường hợp. Về đường sắt, xử lý 02 trường hợp, ra quyết định xử phạt 01 triệu đồng.
Về tình hình ùn tắc giao thông, theo Cục Cảnh sát giao thông cũng như phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, từ chiều ngày 28 và sáng ngày 29/4/2023, lưu lượng phương tiện tại khu vực cửa ngõ, các tuyến cao tốc, quốc lộ tiếp giáp Hà Nội, TP.HCM tăng đột biến theo cả hai chiều ra và vào thành phố do nhu cầu đi lại của người dân, cộng với trời mưa, một số điểm xảy ra ngập úng (sáng 29/4 tại Hà Nội) và tình trạng va chạm giao thông, sự cố phương tiện đã khiến giao thông ùn ứ cục bộ, tập trung ở một số tuyến.
Tại Hà Nội và các địa phương giáp ranh, giao thông ùn ứ ở khu vực cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình, Quốc lộ 1 (đoạn từ Hà Nội đến Hà Nam), Quốc lộ 5, vành đai 3-cầu Thanh Trì, Võ Chí Công-cầu Nhật Tân-Võ Nguyên Giáp, khu vực các bến xe liên tỉnh (Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình), đặc biệt là tuyến vành đai 3 trên cao (từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì) và khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.
Tại TP.HCM và các địa phương giáp ranh, ùn ứ xảy ra ở các tuyến cao tốc, quốc lộ cửa ngõ; Quốc lộ 30 khu vực ngã 3 An Thái Trung-Quốc lộ 1 thuộc Cái Bè, Tiền Giang; cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; cầu Rạch Miễu (nối hai tỉnh Tiền Giang-Bến Tre).
Hoàng Nam
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/16-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong-trong-ngay-dau-ky-nghi-le-a10618.html