Chuẩn bị mâm cỗ cúng Giỗ tổ Hùng Vương tại nhà như thế nào?

“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ tổ mùng 10 tháng 3”. Trong ngày lễ lớn của cả dân tộc, nhiều người chọn hành hương tới tận đền Hùng. Tuy vậy, không phải ai cũng có cơ hội được trực tiếp đến dâng hương tại Đền Hùng, và việc chuẩn bị một mâm cỗ cúng tại nhà cũng đã đủ tỏ bày lòng thành kính.  

Theo dân gian truyền lại, thời nhà Nguyễn các lễ vật trong ngày giỗ tổ Hùng Vương sẽ gồm bò, lợn, dê. Theo thời gian phong tục này dần bị mai một. Đến nay vẫn có một số địa phương vẫn duy trì văn hóa này.

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian cho biết dâng lễ vào ngày giỗ tổ Hùng Vương có làng cúng cả một con lợn đã mổ sạch đi kèm tiết lợn, có làng lại dâng xôi ngũ sắc hoặc thịt trâu đen. 

nlntv-sutich-1682746110.jpg
Sự tích bánh chưng bánh giầy

Còn trong mâm cỗ gia đình, người ta thường cúng giỗ tổ Hùng Vương hai loại bánh đó là bánh chưng và bánh giầy - hai loại bánh truyền thống gắn với truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu, tương truyền xảy ra vào đời vua Hùng thứ 6 của nước Văn Lang . Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn dâng hoa và chuẩn bị mâm cỗ cúng mặn với các món ăn đặc trưng của người Việt có thể kể đến như xôi, gà, thịt lợn, rượu,… Thế nhưng quan trọng nhất không phải lễ vật mà là lòng thành của mỗi người, người dân phải có lòng thành kính, biết ơn đối với Hùng Vương.

Lễ vật dâng lên trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương thường có:

nlntv-le-1682746114.jpg
Ảnh minh hoạ

Lễ chay: 18 chiếc bánh chưng, 18 chiếc bánh giầy, con số 18 tượng trưng cho 18 chi đời vua Hùng. Ngoài ra còn có hoa quả, bánh tùy theo đặc sản của từng địa phương như: Bánh mật, bánh gai, kẹo bánh và hoa thơm, trái ngọt, trầu cau, nước lã sạch... để dâng cúng.

Lễ mặn: Theo truyền thống và theo thuyết tam sinh thì lễ vật thờ cúng vua Hùng được chuẩn bị gồm: Thịt lợn, thịt bò, thịt dê. Tuy vậy, để phù hợp với tình hình của từng địa phương, tránh lãng phí thì lễ vật hiện nay thường là thủ lợn với ván xôi trắng hoặc gà trống với ván xôi trắng kèm theo rượu trắng.

Hương nhang: Theo quan niệm dân gian, nhang tượng trưng cho sự “vô vi,” hoa tươi tượng trưng cho “tự nhiên,” nước trong tượng trưng cho “thanh tịnh,” đèn nến tượng trưng cho sự “thuận hòa: biến hóa theo chiều thuận”, nghĩa là bốn vật phẩm trên nói lên ý niệm cơ bản của tín ngưỡng truyền thống: Thanh tịnh, vô vi, tự nhiên, thuận hòa.

Giỗ tổ Hùng Vương là một ngày lễ lớn của cả dân tộc Việt Nam, là dịp mà những người con ngược dòng thời gian tưởng nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của 18 vị vua Hùng trong lịch sử. Một mâm cỗ cúng tươm tất tại gia cũng đã đủ để gìn giữ và lưu truyền những truyền thống tốt đẹp, giáo dục cho thế hệ sau về lịch sử dựng nước và giữ nước đầy oai hùng của ông cha ta.
 

.

Nguyên Khánh (TH)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chuan-bi-mam-co-cung-gio-to-hung-vuong-tai-nha-nhu-the-nao-a10598.html