Tổng Bí thư Lê Duẩn là một trong những danh nhân xuất sắt của Việt Nam thế kỷ 20. Ông đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp Cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 07/4/1907, tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Là người sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, đồng chí Lê Duẩn gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Năm 1930, ông trở thành một trong đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Ông đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân tin cậy, giao đảm nhận nhiều cương vị, trọng trách: Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ (1931), Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1937 - 1939); Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ (1946 - 1947); Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1947 - 1951); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951 - 1954); Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960 - 1976), Tổng Bí thư [TBT] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1976 - 1986). Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất và tài năng của người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Trong Điếu văn của Đảng ta do đồng chí Trường Chinh đọc đã khẳng định TBT Lê Duẩn “đã có những đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lý tưởng và hoài bão suốt đời của đồng chí là Tổ quốc độc lập và thống nhất, nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống của mình... Cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta thật là to lớn” [1]. Hơn 36 năm đã trôi qua kể từ ngày TBT Lê Duẩn đi xa, những nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn tiếp tục được thực hiện khẳng định và làm sáng tỏ thêm về tầm vóc và những công lao đóng góp của ông đối với Đảng, với đất nước, nhân dân.
Trong phạm vi hội thảo hôm nay, theo đề nghị từ phía Ban Tổ chức, chúng tôi xin được đóng góp 1 tham luận về danh nhân Lê Duẩn với những công hiến xuất sắc của ông trong Cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tham luận được chia thành 2 phần:
1. Tư tưởng, tâm nhìn của TBT Lê Duẩn trong Cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc
Khi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của TBT Lê Duẩn, nhiều người đã khẳng định vai trò to lớn của tư tưởng, tầm nhìn và tư duy sáng tạo của TBT Lê Duẩn trong Cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”, TBT Lê Duẩn luôn nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Bác “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Điều đáng chú ý là trong những thời khắc cam go nhất, chính Lê Duẩn là người đã đề xuất với Bác với Đảng về con đường giải phóng miền Nam. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, nước ta bị chia cắt thành 2 miền. Tình hình thế giới lúc đó có nhiều diễn biến phức tạp, bất lợi cho Việt Nam. Cùng trong phe XHCN nhưng Liên xô khuyên Việt Nam nên "chung sống hòa bình", "thi đua kinh tế" giữa hai miền, miền Bắc thắng, nước nhà sẽ thống nhất. Trung quốc lại khuyên "trường kỳ mai phục", chờ đợi thời cơ. Trong khi đó, Mỹ - Diệm trắng trợn chà đạp Hiệp định Giơ-ne-vơ, thẳng tay khủng bố tàn sát đồng bào và các cơ sở cách mạng, gây bao đau thương, tang tóc, miền Nam rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng. Bằng trực cảm đặc biệt và năng khiếu chính trị nhạy bén, với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Lê Duẩn đã lăn lộn từ miền Tây Nam Bộ lên Bến Tre rồi Sài Gòn, Đà Lạt để chỉ đạo phong trào. Ông đã nung nấu suy nghĩ và dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam năm 1956. Trong đó chỉ rõ: "Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó không có con đường nào khác". Ba nhiệm vụ cách mạng đã được xác định là:
- Củng cố thật vững chắc miền Bắc.
- Đẩy mạnh đấu tranh cách mạng ở miền Nam.
- Tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ trên thế giới. [2]
TBT Lê Duẩn đã xác định phương pháp cách mạng miền Nam là vừa phải sử dụng đâu tranh hòa bình, vừa chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang khi tình hình thay đổi và đề ra chủ trương xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất để tập hợp lực lượng. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn tưởng chừng bế tắc lúc bấy giờ, Đề cương cách mạng miền Nam có giá trị đột phá, làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng đi theo cách mạng. Và không chỉ thế, ý nghĩa to lớn của Đề cương còn ở chỗ góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và chính trị cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (năm 1959), tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960). Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15, các cuộc đấu tranh chính trị có vũ hỗ trợ ở một số địa phương miền Nam đã bùng lên thành phong trào Đồng Khởi năm 1960 đưa cách mạng miền Nam Việt Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang tiến công. Sau Đồng khởi, cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn mới, từ khởi nghĩa vũ trang, phát triển thành chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng.
Từ năm 1957, Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động đồng chí Lê Duẩn ra Hà Nội nhận trọng trách mới. Dưới sự chủ trì của Bác và cùng tập thể Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng hoạch định đường lối chính trị và chiến lược giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng trong phạm vi cả nước.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào ông luôn luôn có nhãn quan cách mạng rộng mở, tầm nhìn và sự nhạy cảm chính trị. Ông đã thấy trước được những gì mà nhiều người chưa thấy. Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cán bộ và chiến sĩ ta ở miền Nam thực hiện tập kết ra Bắc, đồng chí Lê Duẩn đã tiên đoán: "Nếu ta đánh và thẳng Pháp trong 9 năm, thì phải có hai lần thời gian đó để thắng Mỹ”. Vào đêm đầu năm 1955, khi ôm hôn chia tay người bạn chiến đấu gần gũi của mình là đồng chí Lê Đức Thọ trên chiếc tàu viễn dương Ki-lin-sky của Ba Lan, đồng chí Lê Duẩn đã xúc động nói: “15 - 20 năm nữa, chúng ta sẽ gặp lại nhau”. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà lời hẹn đó đã trở thành sự tiên đoán khoa học, được thực tế lịch sử kiểm nghiệm và xác nhận.
Đọc “Thư vào Nam” chúng ta sẽ thấy rõ tầm nhìn và sự chỉ đạo hết sức tài tình, cụ thể, sát hợp trong từng thời kỳ, ở từng bước ngoặt của chiến tranh của đồng chí Lê Duẩn. Phương hướng chiến lược là tiến công và mục tiêu cuối cùng là toàn thắng, nhưng nghệ thuật chỉ đạo là phải biết thắng từng bước cho đúng, và không phương hại đến đại cục. Tư duy đó đã tạo khả năng làm chủ các quá trình và xu thế phát triển trên cơ sở nắm vững tính quy luật diễn biến trong cuộc chiến giữa ta và địch, từ thắng lợi từng bước tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Chiều sâu, tâm cao trí tuệ của đồng chí Lê Duẩn được thể hiện trong các văn bản chỉ đạo, trong Đề cách mạng miền Nam, những bức “Thư vào Nam”, trong tác phẩm nổi tiếng “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, viết năm 1970. Với ông “không có và sẽ không bao giờ có một công thức duy nhất về cách tiến hành cách mạng thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thời gian”, vì thế đòi hỏi người cách mạng phát huy trí sáng tạo, "Cách mạng là sáng tạo; không sáng tạo thì cách mạng không thể thắng lợi ".
Ngay từ năm 1961, trong bức thư gửi Anh Mười Cúc [đồng chí Nguyễn Văn Linh] và các đồng chí ở Nam Bộ, ông đã phân tích: “Vùng Tây Nguyên là xương sống chiến lược, là địa bàn để ta tiến lên tiến công địch, đồng thời là căn cứ để ta xây dựng và bảo vệ lực lượng cách mạng. Nông thôn đồng bằng là chỗ dựa chính để ta xây dựng và bảo vệ lực lượng cách mạng. Thành thị là đầu não của địch. Để đối phó với mọi tình huống khó khăn phức tạp, chúng ta phải xây dựng cho được căn cứ ở Tây Nguyên” [3].
Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo là nét rất đặc trưng ở đồng chí Lê Duẩn. Luôn suy nghĩ, tìm tòi, trăn trở với những vấn đề do cuộc sống đặt ra là bản tính của đồng chí Lê Duẩn. Chính ý chí gang thép, dũng khí cách mạng kiên cường kết hợp với tư duy khoa học, tính kiên định là nguồn cội của sự sáng tạo ở TBT Lê Duẩn.
Năm 1970, khi Mỹ đánh sang Campuchia, mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, biến Đông Dương thành một chiến trường, Lê Duẩn đã dự đoán một cách tài tình về khả năng thắng lợi trong khoảng cùng một thời gian của cả 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Điều đó đã thành hiện thực.
Đầu xuân 1973, TBT Lê Duẩn trực tiếp vào thăm và kiểm tra Đoàn 559, đang xây dựng đường xuyên Việt, đông Trường Sơn, chủ động đón thời cơ. Với tầm nhìn xa cho con đường chiến lược này, ông đã ghi trong Sổ vàng của bộ đội Trường Sơn: “Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam-Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta... Chúng ta nhất định tiếp tục đi con đường này để tiến đến thắng lợi hoàn toàn”.
Năm 1974, kế hoạch giải phóng miền Nam được liên tục rút xuống trong hai năm, xuống 1 năm, 6 tháng, và cuối cùng là 2 tháng. Tại Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974 và tháng 01-1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã kết luận dứt khoát: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng tư năm nay (tức năm 1975), không để chậm”. Cũng chính từ sự chỉ đạo có tầm chiến lược này chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng. Trân trọng tầm nhìn của TBT Lê Duẩn, nhân dân, cán bộ chiến sĩ và trí thức Nam Bộ đã thân ái gọi ông là “Ngọn đèn 200 nến”. Nhà báo Phan Quang đã nhận xét: “Xưa nay, tầm nhìn là tính cách và đặc trưng nổi trội ở mọi vĩ nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta là một người như thế. Là học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch, Lê Duẩn có tầm nhìn sáng tỏ vào những bước chuyển hoặc giờ phút khó khăn của đất nước” [4].
(Còn tiếp)
TS. Vũ Dương Thúy Ngà