Tết Hàn thực còn được gọi là Tết bánh trôi bánh chay diễn ra vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm. Tết Hàn thực xuất hiện chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam.
Vào ngày Tết Hàn thực, mỗi gia đình đều chuẩn bị bánh trôi, bánh chay thành kính dâng lên bàn thờ, tưởng nhớ ân đức tổ tiên.
Theo nghĩa chữ Hán, "hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc với điển tích Giới Tử Thôi chết cháy.
Nguồn gốc Tết Hàn thực
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Trên đường lánh nạn, vua Tấn được hiền sĩ Giới Tử Thôi hết lòng phò trợ. Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Thậm chí, lúc lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi còn lén cắt một miếng thịt đùi của mình nấu dâng lên vua.
Sau khi biết sự việc, vua Tấn đem lòng cảm kích vô cùng. Thế nhưng, khi đoạt lại ngôi báu, lúc phong thần cho những người có công, vua Tấn lại quên mất sự giúp đỡ của Giới Tử Thôi.
Tuy vậy, Giới Tử Thôi vẫn không hề oán giận, ông trở về đưa mẹ già vào trong núi ở ẩn. Một thời gian sau, khi vua nhớ ra bèn cho người đi tìm nhưng Giới Tử Thôi không chịu về lĩnh thưởng. Vua thấy vậy hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra mặt nhưng lại khiến mẹ con ông bỏ mạng chốn núi rừng vào đúng ngày 3/3 âm lịch.
Cái chết của Giới Tử Thôi khiến vua đau lòng và ân hận. Vua Tấn cho lập miếu thờ, hạ lệnh kiêng dùng lửa suốt 3 ngày và chỉ ăn thức ăn nguội lạnh nấu sẵn. Hàng năm, cứ đến 3/3 âm lịch, người dân bị cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước.
Tại sao Tết Hàn thực lại cúng bánh trôi bánh chay?
Mặc dù nguồn gốc của Tết Hàn thực là vậy, tuy nhiên ở Việt Nam, ngày này không phải để tưởng nhớ Tử Thôi mà có ý nghĩa dân tộc sâu sắc. Tết Hàn thực của người Việt mang màu sắc dân tộc riêng, được lưu giữ mãi trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không cúng bánh trôi, bánh chay ngũ sắc, kiêng đốt lửa, kiêng chuyển nhà, kiêng ăn mặn và không cúng cỗ bàn linh đình.
Ở nhiều nơi, người dân cũng làm bánh trôi, bánh chay cúng thần hoàng. Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực cơ bản thường có: bánh trôi, bánh chay, mâm ngũ quả, hương, hoa, trầu cau, nước lọc.
Bánh trôi và bánh chay là hai món ăn truyền thống không thể thiếu trong Tết Hàn thực của người Việt. Bánh trôi và bánh chay đều sử dụng bột gạo nếp thơm là thành phần chính, thể hiện được nền văn minh lúa nước của dân tộc ta. Hình ảnh này còn tượng trưng cho Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng bọc trăm trứng.
Đặc biệt, hình dáng của bánh trôi tròn đều, bên trong có phần nhân hình vuông, tượng trưng cho sự tròn đầy và hoàn mỹ của cuộc sống, còn phần nhân màu trắng lại mang ý nghĩa tinh khiết, trong trắng. Ngược lại, bánh chay có vỏ trắng, phần nhân đậu xanh bên trong vàng tươi sáng mang tính âm, âm dương giao hòa. Những món ăn này được dùng trong Tết Hàn thực để thể hiện sự kính trọng và tôn vinh cội nguồn, mang đậm nét văn hóa lúa nước của dân tộc Việt Nam.
Phương Thảo - TH
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/su-tich-ve-nguon-goc-tet-han-thuc-a10475.html