PV: Thưa ông! Sau Lễ phát động "Tết trồng cây" năm 1960, Bác Hồ đã đến công viên Thống Nhất trồng cây đa. Trong nhiều năm nay, công ty đã bảo vệ cây đa và hệ thống cây xanh ở đây như thế nào?
Ông Cao Xuân Lâm: Công viên Thống Nhất xưa kia vốn là vùng đầm hồ và bãi rác, phía Đông là đất các làng cổ Vân Hồ, Thể Giao và Thiền Quang; phía Bắc là làng Thiền Quang, Pháp Hoa, Quang Hoa, Liên Thủy; phía Tây là làng Liên Thủy, Kim Liên (hồ Bảy Mẫu là của làng Kim Liên); phía Nam là làng Phúc Lâm Tiêu và Vân Hồ. Năm 1958, Hà Nội quyết định xây dựng nơi đây thành công viên để làm chốn vui chơi giải trí cho đồng bào Thủ đô. Hàng ngàn sinh viên và người dân đã đóng góp hàng chục ngàn ngày công lao động, xây nên công viên với hai hồ nước lớn và hai hòn đảo nhỏ. Năm 1960, công viên bắt đầu đón khách. Nhân dịp này, Bác Hồ kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến mồng 6 tháng Hai, chào mừng 30 năm Ngày thành lập Đảng. Trong tháng ấy, Bác yêu cầu mỗi người trồng ít nhất một cây xanh. Ngày 11 tháng Giêng năm ấy, Bác đã tự tay trồng cây đa trong Công viên Thống Nhất. Đến nay, tán lá xanh tươi tốt của cây đa trùm lên cả một góc công viên có đường gạch bao quanh và bờ đá tròn, bao lấy thân cây. Ngoài thân chính cây đa này còn có nhiều thân phụ mà thân phụ nào cũng to, rắn rỏi hoành tráng, trông như những cột nhà.
Khi mình về đây làm lãnh đạo công ty và được chăm sóc cây, có cây của các vị lãnh đạo trồng thì cảm thấy rất vinh dự. Cán bộ, nhân viên trong công ty cũng như bản thân mình giữ được cây đa và hàng trăm loại cây khác là cả một quá trình chăm sóc khoa học. Mọi người cứ vào công viên thì sẽ cảm thấy thoáng đãng, mát mẻ, yên tĩnh. Mô tả bằng lời thì khó lắm, phải cảm nhận trực tiếp cơ!
PV: Cho đến nay, công viên Thống Nhất đã như một "khu rừng nhỏ" giữa lòng thành phố. Để duy trì công viên xanh, sạch, đẹp như vậy thì Công ty TNHH MTV công viên Thống nhất đã chăm sóc cây xanh nơi đây như thế nào?
Ông Cao Xuân Lâm: Trồng cây từ năm 1960 đến bây giờ cũng là hơn 60 năm rồi. Hàng năm công ty vẫn thường xuyên chăm sóc và kiểm tra để “bảo dưỡng” cây. Lượng cây đã rất nhiều nên việc bổ sung cây phải được tính toán một cách khoa học để đảm bảo được chất lượng cây và sự an toàn cho người dân. Vì đây là "lá phổi" của Thủ đô nên công ty có đội cắt tỉa chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng phun thuốc trừ sâu cho cây để chống mối, mọt. Những cây đã quá già già hoặc mục thì phải chặt hạ. Từ khi Công ty quản lý toàn diện công viên Thống Nhất, hồ Ba Mẫu mọi quy định công việc được thực hiện chặt chẽ, quy củ nền nếp. Vì vậy, chúng tôi yên tâm để thực hiện công việc chăm sóc cây cỏ, cảnh quan trong công viên ngày càng sạch, đẹp.
Để giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc công viên phát huy hiệu quả như ngày hôm nay không thể không nhắc đến những bàn tay cần cù, sự sáng tạo, tận tụy, yêu nghề trong lao động sản xuất của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất. Được thành lập ngày 21/8/1997, trong suốt 20 năm qua, đội ngũ cán bộ, công nhân viên Công ty đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà TP giao, đó là chăm sóc những công trình văn hóa, hàng cây, hồ nước trong công viên ngày càng xanh tươi đáp ứng nhu cầu tham quan giải trí, thư giãn, luyện tập thể dục thể thao cho người dân, xứng đáng là “hòn ngọc xanh” của Thành phố.
PV: Trong suốt thời gian công tác, ông thấy ý thức gìn giữ không gian xanh-sạch-đẹp tại công viên của người dân như thế nào?
Đa số người dân rất có ý thức bảo vệ cây xanh trong công viên.Thấy trẻ con hay bất kỳ ai bẻ ành cây, dẫm vào cỏ,… thì chúng tôi và cả người dân đi vào tập thể dục thì cũng nhắc nhở ngay. Bởi nơi đây là không gian văn hóa đáng tự hào của thành phố.
Ngoài cây đa Bác trồng, Công viên Thống Nhất còn có nhiều bồn hoa bốn mùa khoe sắc, có những hàng thùy liễu mượt mà, những cây thông suốt năm xanh thắm và nhiều loài cây ăn trái. Đây cũng là điểm vui chơi giải trí của người dân Thủ đô. Công viên có một khu giải trí riêng cho thiếu nhi với đu quay chạy điện, máy bay trên khung sắt và nhà gương biến dạng hấp dẫn. Với thanh niên thì ở khắp lối dọc, đường ngang có những dãy ghế đá nép mình bên vòm hoa, tiện cho việc chuyện trò, tâm sự. Hồ Bảy Mẫu nằm trong công viên hữu tình, nên thơ cho nam thanh nữ tú thỏa sức bơi thuyền ngược xuôi. Không gian xanh của công viên còn được tạo nên từ những bể lớn, bể nhỏ với nhiều loại cá đẹp, lạ mắt. Công viên còn có khu đảo Hòa Bình nằm giữa hồ, là nơi yên tĩnh, thích hợp cho người dân đến luyện tập, thư giãn. Chính vì vậy, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền người dân giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp nơi đây.
PV: Như ông vừa nói nơi đây trở thành "lá phổi xanh" quan trọng của Thủ đô. Vậy, ông có nghĩ công tác gìn giữ, phát triển không gian xanh tại công viên phải tiếp tục được chú trọng?
Ông Cao Xuân Lâm: Mật độ cây tại công viên quá nhiều rồi. Bây giờ chủ yếu là phát triển không gian hoa, cây cảnh để cho mọi người chụp ảnh và tổ chức các hoạt động cộng đồng. Công ty cũng đã trình thành phố về việc quy hoạch một cách chi tiết. Sau khi thành phố phê duyệt thì lúc đó mới kêu gọi đầu tư thêm các thiết bị vui chơi mới, các khu vực vui chơi mới hiện đại, tân tiến hơn. Công ty cũng dự kiến xây dựng một nhà lưu niệm ngay tại công viên. Cán bộ lão thành của thành phố sẽ sưu tập các tài liệu để đóng góp tài nguyên cho nhà lưu niệm. Từ đó, nhà lưu niệm sẽ giới thiệu về công viên một cách bài bản, chi tiết.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện ngày hôm nay!
Nguyễn Hà
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/khong-gian-xanh-tai-cong-vien-thong-nhat-thanh-qua-tu-nhung-ban-tay-can-cu-sang-tao-a10473.html