Nguồn lực dành cho văn hóa còn khiêm tốn
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ cộng đồng thuộc ngành văn hoá và thể thao quản lý gồm: 7 đơn vị nghệ thuật công lập và 1 trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh (cấp thành phố), 1 trung tâm văn hóa và 1 trung tâm thông tin triển lãm (cấp thành phố); 18 trung tâm văn hóa – thể thao cấp huyện, 4 trung tâm văn hóa và 4 trung tâm thể thao (Quận 1, Quận 5, Quận 10, Thành phố Thủ Đức). Thành phố còn có hệ thống thiết chế văn hóa do hội, đoàn cấp thành phố; ngành công an; quân đội quản lý.
Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố có 9/17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có xây dựng trung tâm sinh hoạt công nhân, công trình thể dục thể thao gồm: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất Linh Trung, Khu chế xuất Linh Trung 2, Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, đạt tỷ lệ 58,82%.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Nam, mặc dù Thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc quan tâm đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa để đáp ứng yêu cầu xã hội phát triển và phục vụ phúc lợi văn hóa cho nhân dân, tuy nhiên một số thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở công lập xây dựng từ trước năm 2000 nên đã lạc hậu, xuống cấp, hư hỏng và chưa đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện theo quy định để hoạt động. Trong khi đó, việc quy hoạch, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do nhiều dự án quy hoạch phải ưu tiên xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giao thông và áp lực dân số Thành phố ngày càng tăng nhanh.
Mặt khác, quỹ đất công quy hoạch dành cho ngành văn hóa, thể thao rất khan hiếm và ngày càng hạn hẹp. Các quy chuẩn và tiêu chí trung tâm văn hóa - thể thao phường, thị trấn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại Thành phố. Chưa kể, kinh phí từ ngân sách cấp cho các hệ thống thiết chế văn hóa chỉ đáp ứng các chi phí thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động cơ bản của đơn vị, chưa có định mức cấp ngân sách cố định hàng năm. Do vậy, các đơn vị sự nghiệp gặp khó trong việc khai thác nguồn thu, đảm bảo các đơn vị có thể tự thu, tự chi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tái đầu tư cơ sở vật chất của đơn vị; việc liên doanh, liên kết thực hiện công tác xã hội hóa chưa thực sự hiệu quả; chưa có các quy định cụ thể theo hướng tạo nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ văn hóa tại các thiết chế văn hóa các cấp, góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Theo ông Võ Trọng Nam, trong các khó khăn của hệ thống thiết chế văn hóa, thì khó khăn về nhân sự là lớn nhất và cần được tháo gỡ. Thực tế, nhân sự tại phường, xã thay đổi liên tục vì chủ yếu kiêm nhiệm, có những lúc không đủ người hoạt động và dẫn tới quá tải. Một khi quá tải thì họ sẽ xin nghỉ việc hoặc xin điều chuyển. Vì phải thay đổi nhân sự liên tục nên ngành văn hóa TP Hồ Chí Minh phải tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên để bảo đảm chất lượng nhân sự, điều này gây tốn kém nguồn kinh phí trong khi nguồn kinh phí được cấp không nhiều.
Cần cải tạo, nâng cấp
Ông Võ Trọng Nam cho biết, sắp tới, để đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất phục vụ lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của TP Hồ Chí Minh, Sở cũng đã nghiên cứu đề xuất đầu tư cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với 13 hạng mục sửa chữa lớn, xây dựng mới các công trình thuộc ngành Văn hoá và Thể thao với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở cũng xây dựng các dự án kêu gọi xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP) và kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để sẵn sàng thực hiện sau khi Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 được Quốc hội thông qua và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương (dự kiến đề xuất 27 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến trên 20.600 tỷ đồng).
Thực tế, TP Hồ Chí Minh cũng đang đầu tư một số công trình thuộc lĩnh vực nghệ thuật nhưng chưa đưa vào sử dụng. Cụ thể là dự án Rạp xiếc đa năng Phú Thọ (dự kiến khởi công trong quý 2 năm 2023) với tổng mức đầu tư 1.395,230 tỷ đồng; dự án xây dựng Trung tâm Nghệ thuật truyền thống với tổng mức đầu tư dự kiến 1.020 tỷ đồng.
Ông Võ Trọng Nam cho biết, TP Hồ Chí Minh cũng đang chờ Quốc hội thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Trong nghị quyết này, có nội dung rất quan trọng, đó là cho phép liên doanh, liên kết đầu tư trong lĩnh vực văn hóa thể thao, từ đó có thể tăng thêm ngân sách đầu tư trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng có đề nghị Sở VH-TT tiếp tục liên hệ UBND TP và các ngành liên quan để sớm nhất có thể ban hành Đề án phát triển tổng thể hệ thống thể chế văn hoá cơ sở trên địa bàn đến năm 2035, làm cơ sở pháp lý để thành phố có thể huy động ngân sách, nhân lực thực hiện. Ngoài ra, Sở cũng cần đặc biệt chú trọng đến việc chỉ có 9/17 khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn có xây dựng trung tâm sinh hoạt, thể dục thể thao cho công nhân, tức là chưa đạt 60%. “Đây là điều đáng suy nghĩ. Công nhân là lực lượng lao động trực tiếp tạo ra sản phẩm cho thành phố, vậy nên cần ưu tiên tạo cho họ những khu vực để giảm bớt căng thẳng, động viên tinh thần để họ phấn đấu làm việc”, ông Bình nói thêm.
Theo ông Cao Thanh Bình, TP Hồ Chí Minh là nơi đáng sống, trung tâm văn hóa không chỉ của cả nước mà của khu vực, vậy mà tỉ lệ đầu tư cho nhu cầu văn hóa chỉ chiếm 17% trên tổng số nhu cầu thì quá khiêm tốn. Qua đó, ông Bình đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hồ Chí Minh cần nhìn nhận lại và cần tính toán, ưu tiên cho ngành văn hóa nhiều hơn để ngành văn hoá có thêm cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tp-ho-chi-minh-go-kho-cho-he-thong-thiet-che-van-hoa-phuc-vu-nguoi-dan-a10364.html