Chia sẻ với nhà trường
“Chúng tôi đã nghỉ dịch quá dài. Học sinh không đến lớp, nhà trường không có nguồn thu. Một năm qua thật khó khăn đối với giáo dục, đặc biệt với các trường mầm non tư thục” - đó là chia sẻ của cô giáo Phạm Chi - Trường mầm non Ngôi nhà vui (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội).
Chị Chi đã gắn bó với “nghề trông trẻ” được 4 năm. Tầm này năm trước, chị Phạm Chi cùng nhiều giáo viên khác vui mừng khi biết thưởng Tết hơn 2 triệu đồng. Thời điểm đó dịch bệnh có ảnh hưởng nhưng chỉ phải nghỉ dạy thời gian ngắn. Cuối năm, nhà trường vẫn thu xếp được một khoản Tết cho các cô.
Năm vừa qua, trường học đóng cửa im lìm. Chị Chi cho hay, đến giờ này chưa nhận được thông báo gì về việc thưởng Tết cho giáo viên. Trong ngành khó khăn, cho nên bản thân chị cũng không mong đợi về khoản tiền này.
Nhớ ngày nào còn chân ướt chân ráo ra Hà Nội xin việc, đến nay, chị Nguyễn Thị Hằng (quê ở Lâm Đồng) đã có 3 năm gắn bó với công việc tại một trường mầm non tư thục ở Đông Anh (Hà Nội).
Công việc bị tạm ngừng, buộc chị Hằng phải tìm kiếm việc làm khác để có nguồn thu. Mấy tháng nay, chị Hằng đã nhận trông trẻ tại nhà. Các bé cũng là học sinh của chị, bố mẹ là công nhân, bận bịu ngày nào, chị nhận trông ngày đó. 75.000 đồng/ngày là tiền công mà chị trông trẻ từ 7h30 đến 17h, trong đó chị vừa trông nom, dạy dỗ, cho bé ăn bữa trưa, bữa phụ buổi chiều. Dù vất vả, chị Hằng vẫn khấp khởi vui mừng khi có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống trong thời điểm khó khăn này.
Thời điểm này, được quay trở lại trường học, gặp học trò là mong muốn lớn nhất của chị Hằng. Còn khoản thưởng Tết thì chị Hằng cũng không quá đặt nặng. “Các cô cũng rất chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn mà nhà trường gặp phải. Tôi mới nghe trường thông báo cũng có phần quà để động viên thầy cô dịp Tết” - chị Hằng chia sẻ.
Chủ trường “đau đầu”
Chị Bùi Tuyết (Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) đã chấm dứt hợp đồng lao động với nhà trường và kịp mở cửa hàng kinh doanh. 9 tháng trước, chị Tuyết vẫn là cô giáo tại cơ sở mầm non Toàn Cầu (Đông Anh, Hà Nội). Dịch COVID-19 bùng phát, cơ sở mầm non buộc phải đóng cửa, chị không có việc làm. Đến việc làm còn không có, chị Tuyết nghĩ gì đến thưởng Tết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Phương - quản lý cơ sở mầm non Toàn Cầu đã phải “đau đầu” trong gần 1 năm qua khi trường phải đóng cửa. Tiền thuê mặt bằng vẫn mất trong khi doanh thu “âm” buộc bà Phương phải nâng lên, đặt xuống chuyện thưởng Tết cho giáo viên. Như mọi năm, các cô giáo cũng được nhận vài triệu đồng trang trải dịp Tết.
“Tôi đang phải cân đối, doanh thu “âm” thì đã đành nhưng cố gắng có gì đó động viên các cô, chí ít cũng có phần quà” - bà Phương chia sẻ.
Nếu như năm 2020 chỉ nghỉ dịch 1-2 tháng, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục vẫn có thể “chống đỡ”. Năm 2021, gần như các trường mầm non tư thục phải đóng cửa, chịu ảnh hưởng nặng nề. Bà Hà Thị Nhàn - chủ nhóm trẻ Trăng Non (Đông Anh, Hà Nội) còn phải giã ruốc, đi bán lẻ từng lạng một để có việc làm, thu nhập. Còn các cô giáo của trường đã đi tìm công việc khác như bán hàng, đi làm công nhân và có những cô đã xin nghỉ chính thức.
Năm 2020 vẫn có thời gian được mở cửa, các cháu đến trường nên cuối năm cơ sở vẫn dành một khoản thưởng Tết cho các cô giáo. Song, năm nay là một năm quá khó khăn với ngành giáo dục, nên chắc chắn sẽ không có khoản thưởng Tết cho giáo viên.
“Tôi cùng với vài chủ trường trong khu bàn với nhau sẽ chuẩn bị gói quà Tết để động viên giáo viên dịp cuối năm. Còn lại doanh thu trong năm qua không có nên không thể sắp xếp được khoản tiền thưởng nào” - bà Nhàn chia sẻ.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-nguoi-khong-mong-cho-thuong-tet-a1023.html