Được biết nhà văn/dịch giả Khánh Phương vừa ra mắt cuốn sách thứ hai viết về tướng Nguyễn Huy Hiệu, tôi rất bất ngờ. Đã có rất nhiều nhà báo, nhà văn viết về cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học quân sự LB Nga).
Chẳng hạn như nhà văn Lê Hoài Nam có 2 cuốn sách Bến sông tuổi thơ và Những bước chân không mỏi của người anh hùng; nhà văn Kiều Bích Hậu với cuốn Vị tướng 9 năm ở nhà con Rồng; nhà báo Lục Hường có cuốn Vị tướng với an ninh môi trường, hồi ký Một thời Quảng Trị của đại tá Lê Hải Triều; Ngọn đèn trong bão lửa của nhà báo Phạm Xuân Trường, nhà văn Dương Thiên Lý với cuốn tiểu thuyết Vị tướng Thành Nam…
Truyện ký Vị tướng với tình yêu nước Nga mà Khánh Phương xuất bản năm ngoái giúp tôi hiểu thêm về một vị tướng nổi tiếng với những câu chuyện liên quan đến binh nghiệp, chiến lược, chiến thuật. Những chi tiết không hề khô cứng, lặp lại mà được lồng ghép đan xen giữa đời chinh chiến và tình yêu một cách tinh tế.
Với cuốn sách Vị tướng kết tinh tâm ngôn giữa đời thường, nhà văn/dịch giả Khánh Phương đồng thời cũng là một nhà báo đã tận dụng tốt cái nhìn tổng thể từ gần tới xa để đúc kết nên những giá trị tinh túy nhất của một vị tướng khác biệt. Những chi tiết ít ai đề cập lại được nhà văn khai thác triệt để, đẩy lên một cấp độ “đắt giá” khiến cho người từng đọc nhiều bài viết về Tướng Hiệu không thấy tẻ nhạt.
Tôi vô cùng tâm đắc với tư duy của Tướng Nguyễn Huy Hiệu trong nhân sinh quan và thế giới quan. Mỗi chủ đề trong cuốn sách là một khía cạnh độc lập nhưng xuyên suốt toát lên mục đích sống của ông.
Với chủ đề đầu tiên Đọc sách và tặng sách, Tướng Hiệu nhấn mạnh: “Tôi không có tài sản gì nhiều, chỉ có những cuốn sách. Có thể những cuốn sách của tôi (do tôi viết hay do các nhà văn, nhà báo viết về mình) chưa hẳn là hay nhưng ở một chừng mực nào đó, có nhiều thông tin bổ ích, khi cần thiết người ta có thể tra cứu. Tôi mong mỗi người hãy tập cho mình thói quen trong ngày để đọc sách''.
Trong chủ đề Thị phi, ông quan niệm nếu gặp thị phi, hãy chọn cách im lặng, mặc cho “mũi tên đã bay ra khỏi cung”, không chạy theo thanh minh giải thích, không nhất định phải hơn thua. Đó không phải là hèn, là chấp nhận, chẳng phải để cho cái ác lên ngôi mà là tự nạp cho mình một năng lượng đủ tốt để thả lỏng bản thân, đối diện với phong ba bão táp. An trú bình tâm trong sâu thẳm để bão thị phi không thể chạm vào.
Bàn về lối sống chân thành, tử tế, Tướng Hiệu cho rằng, bất kể gian nan thế nào, bản thân nên giữ vững tấm lòng chân thành và tử tế. Bất kể cô độc ra sao, cũng nên duy trì nhân cách. Bất kể có thể chịu thiệt bao nhiêu, vẫn kiên định lan tỏa yêu thương.
Có rất nhiều người mải mê tìm hạnh phúc ở chân trời xa lắc nhưng Tướng Hiệu một lần nữa khẳng định, “Có trong tay những thứ tốt nhất, không biến ta thành người hạnh phúc nhất mà người hạnh phúc nhất là biết tạo ra điều tốt nhất từ những khía cạnh khiếm khuyết. Đừng trông chờ vào một người nào đó để có được hạnh phúc. Hạnh phúc là do nội tại. Ngày mai chưa tới, biết ra sao ngày sau mà lo lắng. Nắng không vì ta buồn, mà lại tắt. Mưa không vì ta chán, mà lại ngừng. Hoa không vì ta ủ rũ, mà ngưng nở. Hãy sống cho mình, vui vẻ, chẳng hơn thua”.
Là một vị tướng với biết bao lo toan, bận rộn nhưng ông luôn xác định: “Gia đình là nơi thiêng liêng, giúp ta bình yên, không tính toán thiệt hơn, là nơi cuộc sống được nhen nhóm nhưng tình yêu không bao giờ kết thúc”.
Từng ở cương vị cao cấp quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo của nhà nước, Tướng Hiệu đúc kết: “Cuộc sống không ai gặp toàn thuận lợi, cũng chẳng ai mãi mãi khó khăn. Dẫu thế nào, cũng đừng bao giờ xem thường bất kỳ ai. Chân thành và thừa nhận khả năng của người khác, tránh rơi vào cạm bẫy của thói tự đại. Lắng nghe góp ý, lời khuyên, phản hồi từ người khác, phân biệt đúng sai để tìm ra khiếm khuyết, hoàn thiện bản thân. Làm việc nhiều hơn, nói về bản thân ít hơn!”.
Thông điệp qua từng trang sách của Thượng tướng - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu là luôn hướng mọi người tới lối sống thiện lành để tâm luôn được an lạc.
Đặc biệt, ông bình thản nói về “cái chết” - là chủ đề mà nhiều người né tránh: “Đừng sống mà quên rằng, bất kể lúc nào cũng có thể ra đi! Cái chế, là sự kết thúc nhân duyên cõi trần. Chưa cần chết đi, đã biết rằng sẽ đến. Chưa cần già đi, đã biết rồi sẽ già. Sống tròn trách nhiệm, trọn đạo nghĩa tình. Dài hay ngắn không quan trọng. Quan trọng là đã sống ra sao. Suy ngẫm đến cái chết chính là tỉnh thức khỏi nỗi sợ hãi. Suy ngẫm về cái chết không làm cho ta chán nản hay sống không lành mạnh, mà là sống có mục đích, giúp cho thoát khỏi sự chênh vênh. Không phải là mong mỏi cái chết đến nhanh, mà là sống để không sợ cái chết bất ngờ!”.
Thật thú vị khi được nghiền ngẫm để thẩm thấu luồng tư tưởng vừa hiện đại phổ cập nhưng lại rất minh triết tinh túy, chắt lọc từ bao đời của ông cha. Tất cả làm nên một nhân cách hết sức khiêm nhường của vị tướng anh hùng!
TS. Đặng Vũ Tùng
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/vi-tuong-ket-tinh-tam-ngon-giua-doi-thuong-a10228.html