Đó là bức tranh khái quát về thị trường lao động Việt Nam được Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Tào Bằng Huy nêu tại Hội nghị quan chức cao cấp về lao động, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề diễn ra sáng 4/4.
Phục hồi mạnh mẽ
Khái quát về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, trước khi xảy ra dịch Covid-19, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện; tiền lương và của người lao động có thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Đại dịch Covid-19 nổ ra với quy mô và mức độ lây lan rộng, phức tạp và khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, tác động mạnh đến việc làm, thu nhập, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Năm 2020, Việt Nam có 32,1 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Bước sang quý III/2021 có 28,2 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 4,7 triệu lao động bị mất việc; 14,7 triệu lao động phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12,0 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu bị giảm thu nhập.
Bước sang năm 2022, bức tranh về thị trường lao động quý III năm 2022 có rất nhiều điểm sáng, trái ngược với thời điểm cùng kỳ năm 2021. Lực lượng lao động tăng nhanh và ổn định.
"Những biện pháp, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 của Chính phủ đã góp phần đảm bảo khôi phục nhanh nguồn cung ứng lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Thị trường lao động Việt Nam phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả về lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện", ông Huy cho biết.
Đánh giá quá trình phục hồi và phát triển thị trường lao động sau đại dịch, Phó Cục trưởng Cục Việc làm khái quát, khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện.
Các chỉ tiêu thị trường lao động như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Cầu lao động có thay đổi theo hướng hiện đại và bền vững.
Hệ thống an sinh xã hội được xây dựng tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả với vai trò giá đỡ cho thị trường lao động.
Bên cạnh những điểm sáng của bức tranh về thị trường lao động, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho hay, sau đại dịch trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng hết lợi thế của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.
"Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng", ông Huy cho biết.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
Đưa ra giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động và kế hoạch cho tương lai, lãnh đạo Cục Việc làm cho rằng, để phục vụ việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững cần đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.
Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.
Về giải pháp lâu dài, ông Huy cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động. Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu.
Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động, đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho người lao động về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức hưởng thụ.
Tổ chức thực hiện các giải pháp để thu hút, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… cho người lao động; đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.
Sơn Nguyễn
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thi-truong-lao-dong-viet-nam-tung-buoc-hoi-phuc-an-tuong-a10197.html