Người cộng sản chân chính
Fritz Schmenkel sinh ngày 14-2-1916 tại làng Varzovo, gần thị trấn Stettin (từng là một phần lãnh thổ đế quốc Đức, nay là Szczecin, Ba Lan) trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động. Cha của ông, Paul Krause, làm việc trong một nhà máy gạch. Là một người cộng sản, ông Paul Krause công khai quan điểm không ủng hộ chính sách của Đảng Quốc xã. Tại một cuộc biểu tình phản đối năm 1923, ông Paul Krause đã bị sát hại bởi các thành viên của Sturmabteilung (SA) - một tổ chức bán quân sự của Đảng Quốc xã.
Lớn lên, Fritz Schmenkel thường xuyên gặp gỡ những người đồng chí của cha mình. Ông noi theo cha và gia nhập Liên đoàn Cộng sản trẻ của Đức vào đầu thập niên 1930. Trong thời gian đó, ông làm việc tại nhà máy gạch Varzovsky và sau đó tại một nhà máy ở thành phố Bytom. Thời gian này, ông nhận thấy mình bị giám sát liên tục bởi Gestapo (tên gọi tắt của Geheime Staatspolizei, là lực lượng cảnh sát bí mật của Schutzstaffel (SS) - một tổ chức bán quân sự trực thuộc Đảng Quốc xã).
Tháng 12-1938, Fritz Schmenkel được huy động vào quân đội Đức Quốc xã (Wehrmacht) và được đào tạo trở thành lính pháo binh. Tuy nhiên, vì tích cực kêu gọi phản chiến và trốn tránh nghĩa vụ quân sự, ông bị kết án 18 tháng tù và thụ án tại nhà tù quân sự của Đức Quốc xã tại thị trấn Torgau ở Tây Bắc Saxony, Đức. Ở trong tù, Fritz Schmenkel nghĩ cách để ra ngoài và giúp Hồng quân Liên Xô. Thế là ông tỏ ra “ăn năn vô cùng” vì những hành động trước đây và viết thư gửi cho chỉ huy quân đội với nội dung: “Nhà tù đã dạy tôi rất nhiều. Tôi nhận thức sâu sắc những sai lầm của mình và sẵn sàng phục vụ trong quân đội một lần nữa để chiến đấu chống lại chủ nghĩa Bolshevik. Hãy tin tôi và gửi tôi ra mặt trận”.
Tháng 7-1941, sau khi Đức Quốc xã tiến hành chiến tranh chống Liên Xô, Fritz Schmenkel được trả tự do và bị đưa đến Mặt trận phía Đông để “cải tạo” nhưng thực chất là để ông chiến đấu cho quân phát xít Đức với tư cách “tình nguyện”. Phải nói thêm rằng, Mặt trận phía Đông chính là chiến tranh Xô-Đức, mà Liên Xô gọi là Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).
Trong bức thư cuối cùng gửi cho vợ mình là Erna Schafer vào ngày 25-11-1941, Fritz Schmenkel viết: “Bây giờ anh biết phải làm gì rồi”. Fritz Schmenkel quyết định đào ngũ.
Chiến sĩ Hồng quân Liên Xô thực thụ
Cuối tháng 11-1941, Fritz Schmenkel đào ngũ khỏi Sư đoàn bộ binh số 186 của quân đội Đức Quốc xã được triển khai tại thị trấn Vyazma thuộc vùng Smolensk, cách Moscow khoảng 360km về phía Tây-Tây Nam. Ông trốn trong các ngôi làng địa phương và cố gắng tiếp cận các đơn vị Hồng quân Liên Xô.
Không nói được tiếng Nga, nhưng Fritz Schmenkel nhanh trí kết hợp ba từ Lênin, Stalin và Thalmann (Ernst Thalmann, là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản của Đức, bị Gestapo bắt giam vào năm 1933 trước khi bị xử bắn theo lệnh của Quốc trưởng Adolf Hitler vào năm 1944) khi gặp bất kỳ người dân địa phương nào. Sự khôn khéo này giúp Fritz Schmenkel được người dân địa phương cho trú ẩn và thức ăn. Đổi lại, ông chủ động “đền ơn” bằng cách hỗ trợ họ làm việc nhà.
Tuy nhiên, đến ngày 17-2-1942, Fritz Schmenkel bị quân phát xít Đức bắt khi đang ở làng Kurganovo và bị kết án tử hình với tội danh đào ngũ. May thay, ông được một đơn vị du kích địa phương ủng hộ Liên Xô có tên “Diệt phát xít” cứu trong lúc chờ ngày hành hình.
Chỉ huy của quân du kích khi nắm được lai lịch và tư tưởng chống phát xít của Fritz Schmenkel đã giữ ông lại. Ban đầu, các thành viên trong đội đều có cái nhìn không mấy thiện cảm về người Đức duy nhất trong hàng ngũ của mình. Fritz Schmenkel không được phát bất kỳ vũ khí nào mà chỉ có ống nhòm. Thậm chí, họ còn đề cao cảnh giác, sẵn sàng nổ súng nếu ông tìm cách bỏ trốn hoặc chống lại.
Tuy nhiên, Fritz Schmenkel đã có cơ hội thể hiện mình. Một ngày nọ, ngôi làng nơi đóng quân của “Diệt phát xít” bị quân phát xít Đức bao vây. Fritz đã tìm được một khẩu súng trường và thể hiện kỹ năng bắn súng hoàn hảo của mình để hỗ trợ đơn vị đẩy bật quân địch. Cũng có thông tin rằng ông đã dùng khẩu súng đó để hạ gục một tên đang có ý định phóng hỏa đốt ngôi nhà sở chỉ huy của quân du kích.
Từ đây, Fritz Schmenkel nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của đội. Họ còn đặt một tên mới cho ông, là Ivan Ivanovich. Ông đã trở thành một chiến sĩ Hồng quân thực thụ.
Liên tiếp lập nhiều chiến công
Trong thời gian này, Fritz Schmenkel dạy những người du kích cách sử dụng súng máy MG-42 của Đức. Ông cũng tham gia vào các nhiệm vụ phục kích và phá hoại chống quân phát xít Đức tại vùng Smolensk và Kalinin.
Ngày 6-5-1942, trong trận chiến với một đơn vị Đức quốc xã có xe tăng yểm trợ, Fritz Schmenkel đề nghị chỉ huy đội tập trung hỏa lực bắn vào các thùng nhiên liệu được lắp trên xe tăng. Nhờ sự tham mưu hữu ích đó, 5 xe tăng địch đã bị bắn cháy.
Tháng 8-1942, dựa vào nguồn gốc Đức của mình, Fritz Schmenkel đóng giả thành một trung úy Đức quốc xã rồi giúp đội bắt được 11 tên cảnh sát vũ trang của phát xít Đức. Khoảng 2 tháng sau, ông lại khoác lên mình bộ quân phục của một vị tướng Đức quốc xã và chặn một đoàn xe Đức chở lương thực cùng đạn dược. Sau đó, Fritz Schmenkel ra lệnh cho đoàn xe vào khu rừng nơi quân du kích đang ém sẵn ở đó.
Thông tin về người lính Đức có tên Ivan Ivanovich đang chiến đấu chống lại quân đội Đức quốc xã đã lan tới Berlin. Phát xít Đức rải tờ rơi công bố trao thưởng hậu hĩnh cho bất cứ ai bắt được ông. Theo đó, nếu công dân Liên Xô mà bắt được Fritz Schmenkel sẽ được thưởng 8 héc-ta đất, một ngôi nhà và một con bò, còn lính phát xít Đức bắt được ông sẽ nhận 2.000 Reichsmark (tiền tệ ở Đức trong giai đoạn 1924-1948) cùng 2 tháng nghỉ phép.
Từ đầu năm 1943, đơn vị “Diệt phát xít” chia thành nhiều nhóm nhỏ để hoạt động. Ngày 23-1-1943, phát xít Đức phát động Chiến dịch quy mô lớn Falling Star (tạm dịch: Ngôi sao sụp đổ) nhằm tiêu hao sinh lực của Hồng quân Liên Xô, trong đó đánh cả vào nơi mà đơn vị của Fritz Schmenkel đóng quân. Theo nhiều tài liệu, Hồng quân Liên Xô đã bị tổn thất đáng kể về người và phương tiện. Nhưng bằng một phép màu nào đó, Fritz Schmenkel và nhiều đồng đội giữ được mạng sống và tiếp tục chiến đấu. Tháng 3-1943, Hồng quân Liên Xô giải phóng khu vực này.
Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô quyết định rằng sẽ tốt hơn nếu sử dụng những kỹ năng độc đáo và lợi thế “mác công dân Đức” của Fritz Schmenkel trong các hoạt động lớn hơn. Vì thế, vào tháng 6-1943, ông được rút về Moscow. Tại đây, ông được trao tặng Huân chương Cờ đỏ (phần thưởng cao quý của Nhà nước Liên Xô dành cho các cá nhân, có thể được trao cả cho những người không phải là công dân Liên Xô, vì sự cống hiến và lòng can đảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc), rồi được điều đến Mặt trận phía Tây (hay còn gọi là Mặt trận Tây Âu). Sau một số khóa huấn luyện, Fritz Schmenkel đảm nhiệm vị trí Phó chỉ huy trưởng một đơn vị trinh sát hoạt động trong khu vực bị phát xít Đức chiếm đóng ở phía Bắc thành phố Orsha của Belarus ngày nay.
Trong quá trình chiến đấu, ông bị bắt vào đầu năm 1944 và bị kết án tử hình ngày 15-2-1944. Đúng 1 tuần sau, Fritz Schmenkel bị xử bắn tại Minsk, Belarus. Sau đó, Fritz Schmenkel bị lãng quên trong nhiều năm.
Phục hồi tên tuổi
Tên của Fritz Schmenkel chỉ xuất hiện trở lại vào năm 1961, khi các cơ quan an ninh Liên Xô xem xét hồ sơ về một đơn vị cảnh sát Đức quốc xã bị tiêu diệt bởi đơn vị của Fritz Schmenkel. Họ rất ngạc nhiên vì đơn vị này có một người chỉ huy gốc Đức. Ngay lập tức, nhóm điều tra bắt đầu thu thập thông tin về Fritz Schmenkel.
Sau 3 năm nghiên cứu, tất cả đã tường tận về chiến công của Fritz Schmenkel. Trong một bức thư được coi là cuối cùng của ông gửi cho người vợ thân yêu Erna Schafer cùng 3 người con Hans, Ursula và Christa, Fritz Schmenkel viết: “Anh xin lỗi vì đã làm cả nhà lo lắng bởi thực tế là cho đến cuối cùng, anh vẫn đi trên con đường mình đã chọn. Nhưng anh quyết không từ bỏ lý tưởng của mình. Anh đang dũng cảm đối mặt với cái chết bởi anh biết mình sẽ chết vì lý tưởng cao đẹp đó”.
Vào ngày 6-10-1964, Fritz Schmenkel được truy tặng Huân chương Lênin và danh hiệu Anh hùng Liên Xô “vì đã tham gia tích cực vào phong trào du kích, gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng can đảm”.
Tại Nga, tên của Fritz Schmenkel được đặt cho một con đường tại thị trấn Nelidovo, tỉnh Tver vào năm 1965. Một tấm bia tưởng niệm được đặt ở Quảng trường Chiến thắng ở Minsk, nơi Fritz Schmenkel bị quân phát xít Đức hành hình.
Năm 1976, một con phố ở quận Lichtenberg tại Berlin được đặt tên là Fritz-Schmenkel-Straße (sau đổi tên thành Rheinsteinstraße vào năm 1992). Tuy nhiên, hiện vẫn còn 1 con đường có tên Fritz-Schmenkel-Straße ở thành phố Leipzig và ở thị trấn Torgau của Đức. Tên của ông cũng được đặt cho Phi đội máy bay chiến đấu số 1 (Jagdfliegergeschwader 1 hay JG-1) của không quân Cộng hòa Dân chủ Đức.
Cuộc đời và chiến công của Fritz Schmenkel được chuyển thể thành bộ phim “Tôi muốn gặp bạn” (tiếng Đức là Ich will euch sehen), được quay tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1977 với nam diễn viên người Đức Walter Plathe thủ vai chính.
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.
MINH ANH (tổng hợp từ Russia Beyond, War History Online)
MINH ANH (tổng hợp từ Russia Beyond, War History Online)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ho-so-mat-lam-the-nao-mot-nguoi-linh-duc-tro-thanh-anh-hung-lien-xo-a10151.html