Mới đây, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ra thông báo cho phép các hãng lữ hành và doanh nghiệp du lịch trực tuyến trên cả nước khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch theo đoàn cho người nước ngoài nhập cảnh vào nước này cùng các dịch vụ "vé máy bay + khách sạn" kèm theo. Thông báo cho biết, việc mở cửa cho du khách nước ngoài vào Trung Quốc, nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ Trung Quốc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Nhân dịp này, nhận lời mời từ Công ty Du lịch Hải ngoại tỉnh Quảng Tây & Liên minh Du lịch - Vietnam Tour Club, từ sáng sớm ngày 29/3/2023 chúng tôi xuất từ Hà Nội.
Sau khoảng 2 giờ đồng hồ trải nghiệm trên con đường cao tốc mới Hà Nội - Lạng Sơn, Xe ô tô du lịch đã đưa chúng tôi đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị để làm thủ tục xuất cảnh cho đoàn. Một cảm giác thật bồi hồi khó tả vì chúng tôi là những đoàn du khách Việt Nam đầu tiên sau hơn 3 năm bùng phát đại dịch Covid-19 quay lại Trung Quốc. Những địa danh quen thuộc một thuở của những anh chị em hướng dẫn viên hay cánh nhà báo hay đi vùng biên quen thuộc hiện ra: Hữu Nghị Quan, Bằng Tường, Khu di tích bác Hồ ở Long Châu, Liễu Châu hay Thành phố Nam Ninh...
Sau khi dùng bữa trưa tại Bằng Tường, đoàn chúng tôi di chuyển theo đường cao tốc về TP Liễu Châu. Liễu Châu có lịch sử hơn 2.100 năm. Thành phố ra đời vào khoảng năm 111 trước Công nguyên, lúc đầu có tên là Đàm Trung. Năm 742 đổi tên thành Long Thành (thành phố rồng), trước khi đổi thành tên như ngày nay vào năm 1736. Liễu Châu là thành phố lịch sử và văn hóa quan trọng của Quảng Tây. Liễu Châu có tài nguyên du lịch dồi dào và phong cảnh lịch sử nhân văn lâu đời, giáp với Quế Lâm và con đường cao tốc từ Liễu Châu đến Quế Lâm chỉ khoảng 150km. Liễu Châu nằm trong cùng tuyến du lịch với Quế Lâm và cùng được mệnh danh là thành phố đẹp như “sơn thủy Quế Lâm, văn hóa Liễu Châu”. Mùa hè không quá nóng, mùa đông không rét đậm, rất thích hợp cho du lịch. Liễu Châu có tuyến tàu hỏa quốc tế sang Việt Nam, tuyến máy bay đến những đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Hải Khẩu… Đường thủy có thể đi đến Quảng Châu, Hồng Kông, Ma Cao.
Nhà ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm sát bên hòn tiểu sơn Ngư Phong. Đây chính là ngọn núi Tây Phong Lĩnh nổi tiếng trong bài thơ Mới ra tù tập leo núi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt trước tòa nhà quay ra phố lớn đông đúc, cổng sau nằm trong khuôn viên yên tĩnh của Trường Tiểu học Ngư Phong. Hai bên lối vào có hai cây si cổ thụ. Tầng một tòa nhà là các tư liệu chung về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gác hai trưng bày, lưu giữ những hiện vật, tư liệu về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động ở Liễu Châu.
Vẫn còn đó chiếc giường đơn sơ, mộc mạc, bộ bàn ghế nhỏ, cái điện thoại, đồng hồ, chậu rửa mặt... Đứng trong gian phòng nhỏ chỉ vài mét vuông, được ngăn ước lệ với gian ngoài bằng tấm liếp mỏng, khách tham quan có thể hình dung Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng đêm cặm cụi bên bàn viết, tìm đường, vạch lối cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Ngoài gian phòng cũ được phục nguyên đồ đạc Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dùng, ngôi nhà còn trưng bày hàng trăm bức ảnh về quãng thời gian hoạt động cách mạng gắn liền với các vị lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong số đó ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liễu Châu lần thứ 3 năm 1954 và có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Chu Ân Lai về việc giải quyết vấn đề hòa bình ở Đông Dương thông qua Hội nghị Geneva.
Năm 1966, Chính phủ nhân dân TP Liễu Châu đã đặt tên cho nhà ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để kỷ niệm những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu và các hoạt động hữu nghị truyền thống hai nước Việt - Trung. Năm 2006, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã tuyên bố nhà ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đơn vị bảo tàng trọng điểm toàn quốc.
Đến từ doanh nghiệp tại thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh, được tham gia đoàn khảo sát Du lịch Việt Nam đầu tiên đến thăm TP Liễu Châu, các nữ doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Dung - Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Việt Nam Quốc tế & Vũ Mai Liên - Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Vịnh Than cho biết: Không chỉ nhóm tôi mà các bạn cùng đi đã thật sự xúc động khi được đến thăm nhà ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì vẫn còn giữ nguyên hiện trạng như những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động tại Liễu Châu.
Các đồ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được giữ gìn cẩn thận, điều đó cho thấy ở bất cứ nơi đâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn được yêu mến và kính trọng. Ngôi nhà là bằng chứng rõ nét về tinh thần hữu nghị Việt-Trung thắm thiết và cao đẹp.
Cũng nằm trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình tại Liễu Châu, đoàn cũng đến thăm Công viên Liễu Hầu và các điểm đến du lịch nổi tiếng của thành phố nhằm tìm hiểu các điều kiện về khách sạn, ăn uống, tham quan, phục vụ việc thiết kế tour phù hợp nhất để cung cấp dịch vụ cho du khách Việt Nam.
Một số hình ảnh của đoàn khảo sát Công viên Liễu Hầu tại TP Liễu Châu:
Lâm An
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ve-tham-nha-o-cu-cua-bac-ho-tai-lieu-chau-trung-quoc-a10149.html