Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Khánh Hòa.
Bệnh nhân không phải đi mua thuốc, vật tư y tế ngoài bệnh viện
Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa là bệnh viện hạng I, trực thuộc Sở Y tế. Hiện Bệnh viện có 4 trung tâm, 8 phòng chức năng, 20 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận. Bệnh viện có 1.250 giường, song luôn trong tình trạng quá tải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới tận phòng tặng quà, thăm hỏi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thái độ phục vụ, công tác chăm sóc, điều trị của Bệnh viện đối với bệnh nhân. Đặc biệt, Thủ tướng tìm hiều rõ về việc có hay không tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong bệnh viện.
Thủ tướng đánh giá cao Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong việc việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế; nhờ đó tại Bệnh viện không phải đi mua thuốc, vật tư y tế ngoài bệnh viện. Cùng với đó, đa số bệnh nhân khám, chữa bệnh đều có bảo hiểm y tế, giảm bớt gánh nặng vật chất.
Làm việc với tập thể lãnh đạo và các y, bác sĩ của Bệnh viện, Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các thầy thuốc; chia sẻ khó khăn, vất vả mà Bệnh viện đã và đang trải qua; đề nghị Bệnh viện tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn vì sức khỏe của người dân. Đặc biệt, các thầy thuốc của Bệnh viện thực hiện phương châm “sáng y đức, sâu y lý, giỏi y thuật”, vừa làm, vừa học tập nâng cao trình độ chuyên môn; thường xuyên sơ kết những vấn đề rút ra từ thực tiễn trong chuyên môn cũng như cơ chế, chính sách để bổ sung, nâng cao chất lượng, yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Theo Thủ tướng, việc thực hiện các chính sách đôi khi có độ trễ, việc đấu thầu mua sắm, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cần thời gian, nhất là đối với một số loại thuốc, vật tư, thiết bị đặc biệt. Do đó, cần rà soát, hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định để tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh theo yêu cầu. “Chính sách phải có độ mở để linh hoạt khi thực hiện. Các đồng chí mạnh dạn thực hiện, không nên sợ sai, miễn là có động cơ trong sáng vì nhân dân phục vụ; không để xảy ra tình trạng bệnh nhân vào bệnh viện rồi lại phải chạy chỗ này, chỗ khác để mua thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng cần huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư trong đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân. Trong đó có xây dựng bệnh viện sạch, xanh, khang trang; trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân để người nhà yên tâm, giảm phiền hà, vất vả, nguy cơ lây lan dịch bệnh…
Nỗ lực cao nhất, bù đắp sự mất mát của các cháu mồ côi
Cũng trong sáng 1/4, Thủ tướng thăm Làng trẻ em SOS Nha Trang và các em mồ côi do đại dịch COVID-19. Theo báo cáo, tỉnh Khánh Hòa có trên 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 31.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tỉnh có 24 em mồ côi do đại dịch COVID-19, trong đó có 6 em mất cả cha và mẹ. Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các em.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Làng trẻ em SOS Nha Trang, thực sự trở thành tổ ấm - ngôi nhà thứ 2 cho các cháu. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đã luôn sẻ chia, đồng hành cùng Làng trẻ em SOS Nha Trang trong suốt chặng đường vừa qua.
“Làng Trẻ em SOS Nha Trang-tổ ấm thứ 2, là nơi đã tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt. Với các cháu, việc cha mẹ qua đời là sang chấn tinh thần lớn, là mất mát không có gì bù đắp được hoàn toàn. Mọi việc làm, suy nghĩ, hành động của chúng ta đều nhằm bù đắp nhiều nhất cho các cháu, đấy là mục tiêu cao nhất để chúng ta cố gắng hết sức mình”, Thủ tướng xúc động chia sẻ.
Thủ tướng vui mừng khi thấy qua 24 năm thành lập, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành tỉnh Khánh Hòa, sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, Làng trẻ em SOS Nha Trang đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng và gìn giữ cơ sở vật chất rất tốt, nhà cửa khang trang, môi trường thoáng đãng, bảo đảm vệ sinh, an toàn, sạch đẹp.
Làng trẻ em SOS Nha Trang đã giúp cho 235 em trưởng thành, vững niềm tin vào cuộc sống, hòa nhập xã hội và lập gia đình riêng. Nơi đây đã trở thành điểm sáng về công tác chăm lo, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi. Từng ngôi nhà của Làng đã trở thành mái ấm tình thương của các cháu.
Nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững, bao trùm, không có ai bị bỏ lại phía sau, tăng cường chăm lo những người yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt, Thủ tướng mong các cán bộ, nhân viên của Làng tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trở thành những người ruột thịt, cho các cháu một lần nữa cảm nhận tình cảm yêu thương, được nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ, chỉ bảo.
Bên cạnh vật chất, cần hết sức quan tâm việc quan tâm, chăm sóc, qua đó, cho các cháu chỗ dựa tinh thần, tạo niềm tin, sự tự tin, khích lệ, động viên các cháu cố gắng vươn lên trong học tập, cuộc sống, phát huy tốt nhất khả năng của mình, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Việc làm này sẽ góp phần tạo nền tảng để các cháu trưởng thành cả về thể chất và tinh thần, thành công trong cuộc sống, tự lo được cho bản thân, phát huy tinh thần yêu nước, yêu quê hương...
Cả nước hiện có hơn 4.400 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19. Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan và tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, tiếp tục có cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho Làng trẻ em SOS Nha Trang tiếp tục phát triển, tổng kết thực tiễn, phát huy tốt hơn nữa mô hình này phù hợp tình hình mới, dành nguồn lực, chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ các cháu mồ côi chu đáo hơn hơn về vật chất, đặc biệt là về tinh thần.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, tạo môi trường tốt nhất; tạo điều kiện cho các cháu về thăm quê hương, người thân để các cháu không quên nguồn cội.
Theo Thủ tướng, mỗi cháu ở đây có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều thiệt thòi hơn so với các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, nhiều cháu đã từng trưởng thành từ mái ấm này đã được học chữ, học nghề và trở thành những công dân tốt, đóng góp tích cực cho xã hội.
Thủ tướng mong các cháu hãy noi theo những tấm gương sáng của các anh chị đi trước, nỗ lực vượt qua những nghịch cảnh, khó khăn; phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện, sinh hoạt để xứng đáng với sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Làng và sự yêu thương của cả xã hội dành cho các cháu.
Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường Hy Vọng đã đón 10 học sinh từ tỉnh Khánh Hoà nhập học trường Hy Vọng, Đà Nẵng.
Phát huy sáng tạo nét độc đáo mang bản sắc Việt Nam
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã dự Lễ khánh thành Nhà hát Đó, thuộc Dự án Vegacity, thành phố Nha Trang. Nhà hát được thiết kế xây dựng với kiến trúc lấy cảm hứng từ chiếc đó - một ngư cụ dân gian phổ biến của người Việt dùng để đánh bắt cá tôm. Sau khi khánh thành, Nhà hát trở thành một biểu tượng về du lịch, văn hóa mới của địa phương. Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao bằng Xác lập kỷ lục Việt Nam cho “Nhà hát Đó” và tác phẩm nghệ thuật “Rối mơ” được trình diễn tại Nhà hát này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta vừa kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam, với nguyên tắc “Dân tộc, khoa học và đại chúng”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “văn hóa còn thì dân tộc còn”; Nghị quyết Trung ương cũng xác định, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đàm bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần; phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội. Do đó, việc phát triển đất nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng cần bám sát chủ trương, đường lối này.
Do đó, nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát cơ chế, chính sách, thể chế về phát triển văn hóa; tăng cường quản lý Nhà nước về văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh, trong sáng vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đường lối phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; huy động mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội vào phát triển văn hóa, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn tỉnh Khánh Hòa đầu tư, phát triển thành trung tâm văn hóa của cả nước. Trong đó, phối hợp với Tập đoàn KDI Holdings phát triển Quần thể Nghệ thuật - Nghỉ dưỡng - Giải trí ven biển Vega City Nha Trang với Nhà hát Đó để làm tăng thêm sức hấp dẫn của địa phương.
Nhà hát Đó là một công trình xây dựng biểu tượng cho sự kết hợp giữa nét kiến trúc độc đáo mang bản sắc Việt Nam và hệ thống trang thiết bị biểu diễn hiện đại - điểm đến độc đáo của những tâm hồn say mê cái đẹp, điểm tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao.
Phạm Tiếp (TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-lam-viec-tai-tinh-khanh-hoa-a10148.html