Cuộc họp nhằm làm rõ nguyên nhân; trách nhiệm các cơ quan Nhà nước tại địa phương trong việc đồng hành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; đồng thời xem xét, đánh giá mức độ, khả năng tập trung nguồn lực, tâm huyết và trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với việc thực hiện các nội dung đã cam kết.
Tại cuộc gặp mặt, 60 doanh nghiệp, nhà đầu tư đã, đang tìm hiểu cơ hội hợp tác, phát triển tại địa phương về dự hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, bày tỏ sự cảm kích đối với các nhà đầu tư đã đồng hành với Điện Biên trong chặng đường qua.
Đồng chí Lê Thành Đô cho biết: Với mong muốn thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư về địa bàn, thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách với nhiều nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, quản lý điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung huy động nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội làm động lực cho phát triển. Đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp sự nghiệp phát triển của tỉnh.
Theo báo cáo trong năm 2022, có 110 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng, có 72 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 1.340 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 30.000 tỷ đồng và 565 chi nhánh , văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Các ngành sản xuất khu vực nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng phát triển khi ổn định, thực hiện tốt công việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Các loại dịch bệnh trên đàn gia súc được phát hiện và xử lý kịp thời.Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung và giá cả thị trường tương đối ổn định, không có biến động lớn, mặt hàng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng.
Tỉnh Điện Biên cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp gặp gỡ, trao đổi, phối hợp với các nhà đầu tư có dự án trồng Mắc ca trên địa bàn để nắm bắt, bàn các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Hiện nay tỉnh có 13 dự án trồng cây Mắc ca với quy mô 85,815 ha, thành lập được 11 hợp tác xã Mắc ca trong vùng triển khai thực hiện dự án.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trao đổi, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư những chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh về thu hút đầu tư vào các lĩnh vực; trong đó trọng tâm là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, phổ biến những thủ tục liên quan đến tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; quy trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và xây dựng khu đô thị và thông báo tình hình thực hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp. Các đơn vị cũng giải đáp các vấn đề liên quan và trao đổi những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư....
Điện Biên đã thu hút, đón chào được số lượng lớn các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất dự án trên địa bàn tỉnh; đã tiếp nhận đề xuất tài trợ kinh phí để lập trên 33 đồ án quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị làm cơ sở quản lý đầu tư, trật tự xây dựng, đất đai theo quy hoạch; hiện tỉnh đang chỉ đạo tập trung tổ chức triển khai trên 25 dự án phát triển đô thị, nhà ở, thương mại, dịch vụ, logistics và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch; trên 20 dự án trong lĩnh vực trồng rừng, trồng cây mắc ca, cây dược liệu và 91 dự án trong lĩnh vực năng lượng. Ngoài ra còn rất nhiều chương trình, dự án đang được tổ chức nghiên cứu, khảo sát, hoàn chỉnh các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nhiều dự án có hiện tượng chững lại, triển khai cầm chừng và có biểu hiện chờ đợi diễn biến của thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi và minh bạch. Tỉnh cũng chủ động bám sát, tập trung nghiên cứu, hướng dẫn, phổ biến kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương để doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt cơ hội và thực hiện các dự án đầu tư. Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả xúc tiến đầu tư với phương châm phục vụ, chăm sóc tối ưu, theo sát bước chân nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh còn nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc đội ngũ cán bộ tiếp xúc làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp...
Phi Thường – Khánh Loan
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/dien-bien-gap-mat-doanh-nghiep-nha-dau-tu-nam-2023-a10133.html