Đến với danh nhân Hồ Chí Minh qua bức chân dung tự họa trong "Ngục trung nhật ký" (Phần 2)

Với bài viết này tôi muốn minh chứng một chân lý về sự nhất trí giữa tác phẩm và tác giả, giữa văn và người; một nhất trí làm nên bản lĩnh, cốt cách, tầm vóc và sự trường cửu các giá trị nhân văn ở một Con người đã trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa nhân loại.

nhat-ky-trong-tu-gcvy-1680235828.jpg
Ngục trung nhật ký (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử)

3. Như vậy, Ngục trung nhật ký đã được ra đời một cách ngẫu nhiên, không có chuẩn bị. Cũng có nghĩa tác giả ở đây là một nhà thơ không chủ định. Không có ý định làm thơ, không ham làm thơ, như bốn câu thơ trong bài Khai quyển, thế nhưng giá trị thơ lại được khẳng định ngay sau khi ra mắt, trên cả hai văn bản chữ Hán và chữ Việt, vào tháng 5-1960; và trên các bản dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, như Pháp, Nga, Anh, Tây Ban Nha, Ả Rập, Thụy Điển, Tiệp Khắc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Kể từ 1960 trở đi, trên số lượng hàng triệu bản in, hàng chục bản dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài; với hàng trăm công trình giới thiệu, hàng nghìn buổi nói chuyện của những học giả và thi nhân hàng đầu trong nước và trên thế giới, Ngục trung nhật ký đã có thể can dự một cách tích cực vào sinh hoạt văn hóa, tỉnh thần của dân tộc và nhân loại.

Một nhà thơ không chủ định, nhưng những gì được viết ra trong hoàn cảnh bị giam giữ, mất tự do lại mang theo chất thơ và những giá trị thơ đích thực, đó là câu chuyện đã được bàn kỹ lưỡng và thấu đáo qua nhiều thế hệ học giả và độc giả, tôi cảm thấy không có tư cách để nói gì hơn, nhằm tránh sự trùng lặp và nhàm tẻ.

4. Viết về mình trong tính chất một nhật ký - thơ ghi chuyện hàng ngày; và viết cho mình, gần như không nhằm vào bất cứ một đối tượng nào khác ngoài mình, Ngục trung nhật ký có tất cả ưu thế để trở thành một Chân dung tự họa, trung thực và sâu sắc nhất và sâu sắc nhất của Hồ Chí Minh. Một tự họa không cần đến bất cứ sự tô điểm nào, hoặc bất cứ sự che dấu nào; để lần lượt, từ bài này qua bài khác, Hồ Chí Minh hiện lên trước mắt ta trong rất nhiều tư thể: nhà cách mạng mất tự do, với khát vọng lớn nhất là được tự do; một tù nhân với muôn nỗi khổ; một nạn hữu với bao cảm thông với những người thấp bé; một hồn thơ gắn bó với thiên nhiên; một con người không trốn tránh những phút yếu lòng nhưng luôn luôn chiến thắng ngoại cảnh... Như vậy là có nhiều con người trong một con người qua cách tự biểu hiện ở 135 bài thơ. Nhưng nếu thu lại cho thật gọn thì chỉ còn hai con người - đó là một chiến sĩ cách mạng và một thi nhân, với chất thép chất thơ - như được đúc kết trong bài Khán “thiên gia thi hữu cảm”.

Thơ xưa thường chọn thiên nhiên đẹp

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

                              (Nam Trân dịch)

“Nay ở trong thơ nên có thép”. Quả chất thép là cần vì sự định hướng cao cả và triệt để cho hoạt động của con người nhằm vào cái tốt, cải thiện. Nhưng đây lại là chất thép trong thơ; và như vậy, chất thơ lại cần cho sự phát triển và hoàn thiện con người, như một sản phẩm của tự nhiên và xã hội nhằm vào cải đẹp. Có cái trước để có cái sau. Rất cần nhấn mạnh tầm quan trọng của cái trước, nhưng cái sau mới là hệ quả, là mục tiêu mà con người cần theo đuổi. Những ai nói đến Hồ Chí Minh như là người theo đuổi đến cùng mục tiêu cách mạng, nếu có dịp dừng lại, đi sâu vào phẩm chất nghệ sĩ này sẽ thấy đó là con người luôn tạo được thế hài hòa, luôn tìm được sự bù đắp và thư giãn cho mình trong những hoàn cảnh gieo neo, khốc liệt. Và đó chính là biểu hiện, là bản lĩnh của sự kết hợp giữa người chiến sĩ và người nghệ sĩ.

Con người đó, cho đến hôm nay, trong sự soát xét lại các giá trị của thời gian, vẫn nguyên vẹn sự trọn vẹn như trong câu thơ của Tố Hữu:

Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng

Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay

                              (Theo chân Bác)

Với Nhật ký trong tù, ta may mắn có được bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh. Rồi với cuộc đời Hồ Chí Minh ta càng hiểu thêm giá trị Nhật ký trong tù. Không có độ chênh giữa tác phẩm và tác giả. Hơn, và khác với bất cứ ai khác, có thể có độ chênh ít nhiêu, thậm chí có khi khác biệt giữa văn và người, với Hồ Chí Minh, con người thực là bảo đảm bằng vàng cho thơ. Dẫu vậy, thơ chỉ mới nói được một phần nhỏ về người. Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng thơ, để hiểu con người, và để hiểu rộng ra nhiều điều khác nữa; và thơ - trong những lay động sâu xa về tình cảm, và khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái Cao thượng... như trong Nhật ký trong tù lại là một sản phẩm quý giá, không gì thay thế được, càng không gì so sánh được.

Kể từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đến Di chúc (1969), trên hành trình 50 năm viết, qua rất nhiều thể, loại thơ và văn, Hồ Chí Minh đã để lại hai tác phẩm như hai tượng đài kề sát nhau, đó là Ngục trung nhật ký (1943) và Tuyên ngôn độc lập (1945). Một được viết trong tư cách người tù. Một trong tư cách lãnh tụ dân tộc - Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Một như là viết cho riêng mình. Một là viết cho 25 triệu công dân Việt và hàng triệu bạn bè, anh em trên thế giới.

Nói Hồ Chí Minh, bất cứ ở phương diện nào cũng là nói đến một tầm vóc lớn, một chân dung lớn, với khát vọng cao đẹp nhất là độc lập cho dân tộc tự cho con người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Hai khát vọng được biểu trưng một cách đột xuất trong Ngục trung nhật ký - năm 1943 và Tuyên ngôn độc lập - năm 1945, cả hai gắn nối với nhau để cùng xuất hiện trong một thời điểm trọng đại của lịch sử dân tộc Việt.

Tháng 11 - 2022

P.L


(1) Trả lời các nhà báo, tháng 1-1946; Hồ Chí Minh - Tuyển tập; Nxb. Sự thật; 1980; tr.381

GS. Phong Lê (Nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/den-voi-danh-nhan-ho-chi-minh-qua-buc-chan-dan-dung-tu-hoa-trong-nguc-trung-nhat-ky-phan-2-a10123.html