Thực tiễn phát huy nguồn lực văn hóa của Hà Nội
Với vị trí, vai trò đặc biệt, Hà Nội có nền tảng văn hóa với tiềm năng to lớn. Hiện nay, Hà Nội đang sở hữu kho tàng di sản vô giá và cực kỳ phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới. Hà Nội còn có hệ thống 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao.
Có thể thấy, văn hóa Hà Nội là nguồn sức mạnh to lớn xét trên nhiều góc độ, tầng mức, cả chiều sâu và quy mô, tính chất. Tuy nhiên, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa vào GRDP của Thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu, như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội... Trong thời gian Hà Nội bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện số hóa dữ liệu, chương trình, các hoạt động văn hóa thông qua internet thu hút được nhiều sự quan tâm, tương tác của công chúng.
Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội chưa được như kỳ vọng. Hầu hết sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Thành phố cũng chưa có Trung tâm sáng tạo, chưa có megashow. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Hà Nội mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng.
So với các thành phố sáng tạo khác có nền công nghiệp văn hóa phát triển trên thế giới, các hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội có khoảng cách khá xa. Có những lĩnh vực thiếu vắng vai trò quản lý nhà nước. Theo kế hoạch, chỉ còn gần 1 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO như trong Hồ sơ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Diễn đàn mạng lưới Thành phố sáng tạo Đông Nam Á; Mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ…
Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. Tháng 10-2019, Hà Nội mới gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo, đầu năm 2020 tình hình dịch Covid-19 bắt đầu có diễn biến phức tạp, nhiều kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động đã bị hoãn lại. Môi trường thể chế dù đã có nhiều thay đổi, song vẫn chưa tạo được sự đột phá, chưa có khả năng giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên văn hóa với khoa học - công nghệ; chưa có những chính sách hiệu quả nhằm huy động nguồn đầu tư thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa cũng như phát triển “Thành phố sáng tạo”. Số lượng các dự án liên quan đến Thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa còn ít, chưa đủ sức thâm nhập và tác động sâu rộng tới nhận thức của những người tham gia vào hoạt động quản lý, sản xuất và dịch vụ văn hóa, cũng như với toàn xã hội. Bên cạnh đó, hầu hết người dân Thành phố còn mơ hồ với khái niệm “Thành phố sáng tạo”.
Hiện thực hoá khát vọng trở thành Thủ đô sáng tạo
Để góp phần quảng bá cũng như thực hiện được các cam kết khi tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo, thành phố Hà Nội cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn, hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ; triển khai quyết liệt 6 sáng kiến hành động của Hà Nội đã cam kết với Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Cụ thể, để thực triển khai các giải pháp, ở cấp độ địa phương tiếp tục triển khai các sáng kiến như: Kiến tạo Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Xây dựng và củng cố không gian sáng tạo tại Hà Nội; Xây dựng chuỗi chương trình truyền hình “Tài năng sáng tạo Hà Nội”. Đồng thời, ở cấp độ quốc tế có thể tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; diễn đàn mạng lưới Thành phố sáng tạo Đông Nam Á; Mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ.
Trước khi đầu tư không gian sáng tạo lớn, Hà Nội cần quan tâm phát triển không gian sáng tạo nhỏ. Bởi đối tượng này thường thiếu vốn, mặt bằng cũng như các nguồn lực khác, sau đó Thành phố tiến tới hình thành không gian sáng tạo đúng nghĩa, đúng tầm cỡ. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Thành phố, từ các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của mỗi người dân Thủ đô.
Thành phố cần tập trung vào 3 trụ cột chính đó là giáo dục sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sự kiện văn hóa và đặc biệt là cải tạo và phát triển hạ tầng văn hóa, đặc biệt là các công trình kiến trúc.
Để trở thành một Thủ đô sáng tạo, trước hết phải có hình hài của một Thành phố sáng tạo. Không thể thay thế những công trình xưa cũ bằng những công trình mới mà không rõ mục đích. Điều Hà Nội cần hướng tới đó là tái tạo, mở rộng công năng của những công trình mang giá trị lịch sử để từ đó tạo ra những giá trị văn hóa mới. Những công trình kiến trúc cổ là hồn cốt của Hà Nội, do đó cần chú trọng bảo tồn thật tốt.
Hà Nội có thể phải sửa chữa hay xây dựng lại nhưng đừng làm mất đi bản sắc. Bên cạnh đó, cần xây dựng thêm nhiều công trình mới để phục vụ thương mại và nhu cầu nhà ở nhưng cần chú trọng sử dụng vật liệu chất lượng cao và đặc biệt chú trọng tới khâu thiết kế. Cần xây dựng và làm rõ khái niệm tầm nhìn của một Thành phố sáng tạo. Trong đó, yếu tố sáng tạo phải trở thành một thành tố xuyên suốt cho sự phát triển Thủ đô trong mọi hoạt động, mọi chính sách. Đồng thời, cũng cần có một đơn vị chuyên trách để triển khai các kế hoạch hành động.
Để phát huy sức mạnh văn hóa, cần phải tranh thủ mọi nguồn lực cả về tài chính và kiến thức khoa học, công nghệ; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế. Trước mắt, cần triển khai xây dựng mạng lưới “Sáng kiến Hà Nội” để thu hút, tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ và tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, cộng đồng trong nước và ngoài nước.
Phát triển công nghiệp văn hóa, Thành phố sáng tạo là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Hà Nội cần luôn xác định phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.
Phát triển công nghiệp văn hóa, Thành phố sáng tạo là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô, góp phần thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, phấn đấu đóng góp khoảng 8% GDP của Thành phố.
Đến năm 2045, công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 10% GDP của Thành phố; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế”.
Chuyển đổi “di sản công nghiệp” thành không gian sáng tạo
Hiện nay, cơ sở hạ tầng, không gian phục vụ đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo của Hà Nội được đánh giá khá dồi dào, đây đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo của người dân. Trên địa bàn Thành phố hiện có nhiều trường văn hóa - nghệ thuật, trong đó có Đại học Mỹ thuật Việt Nam có gần 100 năm truyền thống hay các ngành nghệ thuật mới của Đại học FPT, RMIT… đã có những thương hiệu, dấu ấn riêng của mình cùng tên tuổi của nhiều nghệ sĩ gắn với những bộ phim, bài hát, dòng tranh riêng về Hà Nội. Những không gian sáng tạo được thử nghiệm với Manzi, Nhà sàn Collective… hay một số chương trình nghệ thuật, sáng tạo, dưới sự hỗ trợ của đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam như Đức, Pháp, Anh… đã giúp tạo ra những môi trường sáng tạo phong phú cho Thành phố.
Ngoài ra, nguồn lực sáng tạo cũng được thể hiện cụ thể qua sự phát triển về số lượng doanh nghiệp công nghiệp văn hóa - sáng tạo của Hà Nội. Trong tổng số 10.020 doanh nghiệp đang hoạt động hiện tại trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, có tới 2.764 doanh nghiệp thiết kế, 270 doanh nghiệp nghệ thuật, 380 doanh nghiệp văn hóa và 1.436 doanh nghiệp thời trang. Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, ngành công nghiệp sáng tạo còn tạo ra sự lan tỏa những giá trị gia tăng về mặt kinh tế, giúp văn hóa Thủ đô sớm trở thành động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Việc xây dựng “Không gian sáng tạo, bản sắc mới của Hà Nội” sẽ góp phần truyền tải việc vận dụng, phát huy sáng tạo từ lịch sử, tạo nên bản sắc của Thủ đô trong việc lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và góp phần phát triển thành phố bền vững trong tương lai.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy hình thành hệ sinh thái sáng tạo
Thành phố cần triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực sáng tạo phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: Xây dựng kế hoạch đào tạo, tiêu chuẩn, cơ chế thi tuyển, thu hút, sử dụng đãi ngộ nhân tài, tạo môi trường nuôi dưỡng sáng tạo...
Bên cạnh đó, Thành phố cần tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn lực tài chính cho phát triển công nghiệp văn hóa, Thành phố sáng tạo, nhất là các hạng mục có tính chất nền tảng, chiến lược; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát triển hạ tầng, không gian văn hóa phục vụ phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống... xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”, phát triển khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị…
Chú trọng phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, xác định và phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực, độc đáo gắn với bản sắc văn hóa và điều kiện thực tiễn của Hà Nội; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo" của UNESCO với hàng loạt các biện pháp cụ thể như: Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức tuần Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm; tổ chức mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ...
Có thể thấy Thăng Long - Hà Nội trải qua hơn một nghìn năm lịch sử với những thăng trầm nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn vươn lên bằng khát vọng, bản lĩnh và sự sáng tạo không ngừng. Hiện nay, các không gian sáng tạo - một thành tố cốt yếu để phát triển Thành phố sáng tạo, đang hiện diện ngày một nhiều, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho đô thị. Chỉ có khai thác giá trị truyền thống, đặt trong thời đại mới, chúng ta sẽ có một nền tảng vững chắc để xây dựng “Thành phố sáng tạo” theo đúng yêu cầu của UNESCO nhưng vẫn giữ được bản sắc của đô thị sáng tạo Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn nghìn năm qua.
TS ĐỖ THỊ LIÊN VÂN, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/phat-huy-nguon-luc-van-hoa-trong-phat-trien-thu-do-a10020.html