Cơ hội giáo dục Hoa Kỳ rộng mở cho các nước thành viên ASEAN

Được đánh giá là lĩnh vực quan trọng và tiềm năng, các chương trình giáo dục và phát triển nguồn lực của Hoa Kỳ đối với các nước thành viên ASEAN ngày càng được thúc đẩy.
co-hoi-giao-duc-hoa-ky-rong-mo-cho-cac-nuoc-thanh-vien-asean-1652494488.jpg
Tính đến nay, hơn 140.000 thanh niên từ 18-35 tuổi, đã tham gia chương trình YSEALI. (Nguồn: U.S. Mission to ASEAN)

Học bổng hấp dẫn

Ra mắt từ năm 2012, Chương trình học giả Fullbright Hoa Kỳ-ASEAN nhằm tăng cường giao lưu nhân dân và quan hệ với 10 quốc gia thành viên của ASEAN, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN.

Kể từ khi chương trình ra đời, hơn 100 học giả từ tất cả 10 duốc gia thành viên ASEAN đã được trao học bổng để theo đuổi các nghiên cứu tập trung vào nhiều chủ đề bao gồm An ninh Hàng hải, Biến đổi khí hậu, Y tế, Tài chính, An ninh Chính trị, Buôn bán động vật hoang dã và dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

Chương trình dành cho các giảng viên đại học, các quan chức bộ ngoại giao và chính phủ cũng như các chuyên viên tại các khối tư nhân, viện nghiên cứu hoặc các tổ chức phi chính phủ tại các nước thành viên ASEAN.

Hiện tại, chương trình Học giả Fulbright Hoa Kỳ-ASEAN năm 2022-2023 đang diễn ra, ứng viên được chọn sẽ đến Hoa Kỳ để nghiên cứu học thuật hoặc chuyên môn trong thời gian 3-4 tháng về những vấn đề hữu ích cho các nước ASEAN, đồng thời quan trọng đối với mối quan hệ giữa hai bên.

Được công bố năm 2013, Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tiếp tục là chương trình nổi bật của chính phủ Hoa Kỳ nhằm tăng cường phát triển năng lực lãnh đạo và kết nối trong khu vực Đông Nam Á.

Thông qua một loạt các chương trình, bao gồm trao đổi giáo dục và văn hóa, giao lưu ở cập độ khu vực và các quỹ tài trợ, YSEALI hướng tới xây dựng năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, bồi dưỡng một cộng đồng ASEAN.

YSEALI tập trung vào các chủ đề quan trọng mà thanh niên trong khu vực quan tâm như: tinh thần tích cực của công dân, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên, khởi nghiệp và phát triển kinh tế.

Tính đến nay, hơn 140.000 thanh niên từ 18-35 tuổi, đã tham gia chương trình và hơn 160.000 đang theo dõi YSEALI trên các nền tảng mạng xã hội.

Thông qua YSEALI, chính phủ Hoa Kỳ đã thu hút hơn 50.000 thanh niên ASEAN thông qua các hội thảo và trao đổi khu vực, học bổng chuyên môn và học thuật tại các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ. Các khoản tài trợ tập trung vào cộng đồng nhằm phát triển mối quan hệ khu vực giữa Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN.

Trong năm nay, chương trình học bổng YSEALI dành cho thủ lĩnh trẻ mùa Xuân 2022 với các chủ đề: Thúc đẩy tinh thần công dân tích cực, Kinh tế, Quản trị và Xã hội, Phát triển Bền vững và Môi trường. Đây là một chương trình học ngắn hạn chuyên sâu nhằm cung cấp cho các nhóm thủ lĩnh trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về Hoa Kỳ, đồng thời nâng cao kỹ năng lãnh đạo.

co-hoi-giao-duc-hoa-ky-rong-mo-cho-cac-nuoc-thanh-vien-asean-01-1652494489.jpg
YSEALI xây dựng khả năng lãnh đạo của thanh niên trong khu vực và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới để giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu. (Nguồn: U.S. Mission to ASEAN)

Học bổng bao gồm chương trình học trực tuyến tại đất nước của người tham gia và trải nghiệm trực tiếp kéo dài từ hai đến ba tuần tại một trường tiếp nhận ở Hoa Kỳ. Nội dung của phần học trực tuyến bao gồm các buổi học tập, tham quan, các bài tập phát triển kỹ năng lãnh đạo và các hoạt động văn hóa.

Nếu điều kiện cho phép, những người tham gia sẽ đến Hoa Kỳ vào mùa Thu năm 2022 hoặc mùa Xuân năm 2023 để tham gia các hoạt động giáo dục và văn hóa trong và ngoài lớp học, các bài giảng và tham quan thực tế tại cộng đồng địa phương.

Điểm nhấn hợp tác giáo dục Việt Nam-Hoa Kỳ

Theo nền tảng tra cứu giáo dục Erudera, số sinh viên Việt Nam đến Hoa Kỳ học tập đã tăng 43% trong vòng 7 năm qua, đóng góp gần 827 triệu USD cho nền kinh tế nước này trong năm học 2019-2020.

Mới đây, tại buổi làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã bày tỏ cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, trong đó phải kể đến chương trình VEF với hơn 500 học bổng giúp các tài năng trẻ Việt sang học tập tại Hoa Kỳ.

Bộ trưởng cũng cảm ơn phía Hoa Kỳ đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ cho giáo dục của Việt Nam, tiêu biểu là các dự án mà Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã và đang triển khai tại Việt Nam rất hiệu quả. Ngoài ra, dự án BUILD-IT trong lĩnh vực giáo dục đại học do Đại học Arizona State thực hiện giai đoạn 2015-2020 cũng hỗ trợ tích cực trong đổi mới chương trình đào tạo tại Việt Nam.

Nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc đến con số khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại các trường phổ thông, đại học của Hoa Kỳ. Cùng với đó, các trường đại học hai nước cũng có hợp tác mật thiết như: mở phân hiệu, các hợp tác về chương trình đào tạo, trao đổi học giả, trao đổi sinh viên, hợp tác nghiên cứu…

Đặc biệt, việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) năm 2016 có thể coi là điểm nhấn trong quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai bên. Đây cũng được xem là trường đại học phi lợi nhuận theo mô hình Mỹ đầu tiên của Việt Nam.

co-hoi-giao-duc-hoa-ky-rong-mo-cho-cac-nuoc-thanh-vien-asean-02-1652494488.jpg
Buổi làm việc giữa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đại sứ Marc Knapper khẳng định quan hệ hợp tác giáo dục là câu chuyện thành công trong mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Trong thời gian tới, ông cho biết sẽ nỗ lực để phục hồi và tăng cường hơn nữa số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ, đặc biệt khuyến khích theo học những chương trình về Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học.

Gợi ý thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với những đối tác tư nhân tại Hoa Kỳ, Đại sứ Marc Knapper khẳng định sẽ nỗ lực để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác về giáo dục đào tạo giữa hai bên.